Trung Quốc phát thải khí nhà kính nhiều hơn cả Mỹ và các nước phát triển cộng lại

Một thống kê mới nhất đã chỉ ra, Trung Quốc đang là quốc gia phát thải khí nhà kính nhiều nhất thế giới, thậm chí lượng phát thải đã tăng gấp 3 lần chỉ trong ba thập kỷ qua.

Báo cáo do tập đoàn tư vấn và nghiên cứu độc lập Rhodium Group có trụ sở tại New York, Mỹ cho biết, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Trung Quốc đã vượt quá mức phát thải của Mỹ và các nước phát triển cộng lại. Báo cáo cho biết thêm, lượng khí thải của Trung Quốc đã tăng gấp ba lần trong ba thập kỷ qua.


Lượng khí thải của Trung Quốc đã tăng gấp ba lần trong ba thập kỷ qua.

Trung Quốc hiện chịu trách nhiệm cho hơn 27% tổng lượng phát thải toàn cầu. Mỹ, quốc gia có lượng phát thải cao thứ hai thế giới, chiếm 11% tổng lượng phát thải toàn cầu. Trong khi đó, Ấn Độ chịu trách nhiệm cho 6,6% lượng phát thải, vượt xa 27 quốc gia trong EU, chiếm 6,4%.

Thông tin trên được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh về khí hậu do Tổng thống Joe Biden tổ chức vào tháng trước, trong đó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhắc lại cam kết đảm bảo mức khí thải của quốc gia đạt đỉnh vào năm 2030. Ông cũng lặp lại cam kết của Trung Quốc là đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này và kêu gọi các nước cùng hợp tác để chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu.

Ông Tập chia sẻ trong phát biểu ngắn gọn tại hội nghị thượng đỉnh: "Chúng ta phải cam kết với chủ nghĩa đa phương. Trung Quốc mong muốn hợp tác với cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Mỹ để cùng thúc đẩy quản trị môi trường toàn cầu".

Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc cho biết, nước này sẽ kiểm soát các dự án phát điện chạy bằng than và hạn chế mức tăng tiêu thụ than trong 5 năm tới. Tuy nhiên, các quan chức nước này cũng nhấn mạnh rằng, tăng trưởng kinh tế phụ thuộc phần lớn vào điện than nên nó vẫn sẽ là một ưu tiên quan trọng.


Trung Quốc đang tăng cường xây dựng các nhà máy nhiệt điện than để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước.

Hiện tại, quốc gia tỷ dân này vẫn đang tăng cường xây dựng các nhà máy nhiệt điện than để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước. Li Gao, tổng giám đốc Cục biến đổi khí hậu thuộc Bộ sinh thái Trung Quốc cho biết, than đá chiếm hơn một nửa sản lượng năng lượng nội địa của nước này trong năm ngoái.

Trong khi đó theo Rhodium, ​​lượng khí thải của nước này đã vượt qua 14 gigatons CO2 vào năm 2019, cao hơn gấp ba lần so với năm 1990 và tăng 25% trong thập kỷ qua. Lượng khí thải bình quân đầu người của Trung Quốc năm 2019 cũng đạt 10,1 tấn, tăng gần gấp ba trong hai thập kỷ qua.

Theo ước tính của Rhodium, lượng khí thải ròng của Trung Quốc năm ngoái cũng tăng khoảng 1,7% ngay cả khi lượng khí thải từ hầu hết các nước khác đều giảm do tác động của đại dịch Covid-19.

Rhodium Group là một tổ chức tư vấn của Mỹ chuyên cung cấp các ước tính và dự báo phát thải toàn cầu thông qua ClimateDeck, cơ chế hợp tác với Breakthrough Energy, một sáng kiến ​​do Bill Gates sáng lập.

Cắt giảm lượng khí thải carbon là một trong số ít các lĩnh vực mà Mỹ và Trung Quốc có sự đồng thuận và đã bắt tay hợp tác.

Vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh, đặc phái viên về khí hậu của Mỹ là John Kerry đã đến Thượng Hải để gặp gỡ các quan chức về biến đổi khí hậu của Trung Quốc. Hai nước sau đó đã đi đến một tuyên bố chung, cam kết giải quyết khủng hoảng khí hậu một cách "nghiêm túc và khẩn cấp".

Tổng thống Biden đã tuyên bố sẽ giảm lượng khí thải của Mỹ từ 50% đến 52% vào năm 2030, tăng hơn gấp đôi so với cam kết trước đó của nước này theo thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015.

Mục tiêu của hiệp định Parislà giữ cho nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng ở mức dưới 2 độ C vào cuối thế kỷ này so với thời tiền công nghiệp. Tuy nhiên theo dự báo, mục tiêu này có thể sẽ sớm bị phá vỡ trong vài thập kỷ tới khi nhiệt độ toàn cầu được dự báo sẽ ấm lên 1,5 C trong vòng hai thập kỷ tới.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất