Trung Quốc sắp hoàn thành đập thủy điện ở độ cao 5.000m
Nhà máy thủy điện Maerdang nằm ở thượng nguồn sông Hoàng Hà có tổng công suất lắp đặt khoảng 2,2 triệu kW.
Toàn cảnh công trường xây dựng nhà máy thủy điện Maerdang. (Ảnh: China Daily).
Nhằm tăng sản xuất năng lượng tái tạo, Trung Quốc chuẩn bị vận hành nhà máy thủy điện cao nhất cả nước, xây ở nhánh thượng nguồn của sông Hoàng Hà. Theo đơn vị vận hành là Tập đoàn đầu tư năng lượng Trung Quốc (China Energy), nhà máy thủy điện Maerdang dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 3/2024.
Dự án Maerdang bao gồm một đập đá đổ có mái lát bê tông. Quá trình xây dựng bắt đầu vào năm 2012. Theo China Daily, công trình được xây ở độ cao 5.000m phía trên mực nước biển, dọc theo sông Hoàng Hà ở tỉnh Thanh Hải. Nhà máy có tổng công suất lắp đặt khoảng 2,2 triệu kW, giúp sản xuất trung bình hơn 7,3 tỷ kWh điện mỗi năm khi chạy hết công suất. China Energy cho biết dự án thủy điện này sẽ giúp giảm 2,56 triệu tấn than đá và 8,16 triệu tấn khí thải carbon dioxide.
Dự án Maerdang sẽ tiếp cận năng lượng sạch tổng hợp bao gồm thủy điện, điện mặt trời và lưu trữ năng lượng. Công trình là ví dụ về cách Trung Quốc tăng cường nguồn năng lượng sạch ở các vùng phía tây, đáp ứng nhu cầu về điện ngày càng tăng trên cả nước.
Nhà máy điện mặt trời của China Energy ở khu tự trị Ninh Hạ cũng sắp hoàn thành với tổng công suất 3 triệu kW. Theo Energy China, giai đoạn đầu tiên của nhà máy ở Ninh Hạ sẽ sớm vận hành với công suất 1 million kW. Giai đoạn hai với công suất 2 million kW sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.
Là một trong những quốc gia tiêu thụ điện lớn nhất thế giới, việc chuyển sang nguồn nhiên liệu tái tạo rất quan trọng với Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung, theo Lin Boqiang, người đứng đầu Viện nghiên cứu chính sách năng lượng Trung Quốc ở Đại học Hạ Môn.
- Khám phá ngân hàng hạt giống lớn nhất thế giới
- Dự án xây 25 tòa nhà chọc trời chống bão cát ở Dubai
- Top 7 siêu dự án đến từ tương lai sắp được các đại gia dầu mỏ Ả Rập trình làng