Trung Quốc sẽ soán ngôi Mỹ trong khoa học?

Một trong các tiêu chí để đánh giá trình độ khoa học một nước là số lượng những công trình khoa học đăng trên các Tạp chí chuyên môn trên thế giới vốn có những tiêu chuẩn khe khắt. Hiện nay, Trung Quốc là nước đứng thứ hai về số các công trình khoa học được công bố trên các ấn phẩm quốc tế. Dĩ nhiên, ai cũng biết đây là nước đông dân nhất thế giới và gấp 4,3 lần nước Mỹ.


Trung Quốc đang đứng thứ 2 thế giới về số lượng
công trình khoa học đăng trên tạp chí quốc tế.

Theo tờ Gazete của Nga, Trung Quốc đã trở thành một cường quốc khoa học đứng thứ hai sau Mỹ. Tấm bản đồ khoa học quốc tế đang thay đổi một cách nhanh chóng, các nước phương Tây đang mất dần vị trí và đang nhường chỗ cho Đông Nam Á, Trung Đông, Bắc Phi… đó là điều được chứng minh qua nghiên cứu thống kê của các chuyên gia Viện Hoàng gia (tức VHLKH) Anh.

Trung Quốc đang nổi lên đứng thứ hai về số bài báo khoa học công bố trên các Tạp chí khoa học thế giới qua những số liệu tổng kết của Hội Hoang gia Anh. Mặc dù trong danh sách đưa ra 10 nước phát triển nhất về cơ bản vẫn là các nước phương Tây, nhưng nói chung, tỷ lệ của các nước này đang giảm đáng kể. Trong khi đó, các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Braxin đang vươn lên mạnh mẽ và đáng chú ý là vai trò của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trung Quốc tạo ra bước đột phá trong các nước tiên tiến của nền khoa học thế giới. Những năm 1999 - 2003 họ mới đứng thứ 6 (chiếm 4,4% các công trình khoa học trên thế giới) thì nay họ đã đứng thứ hai chỉ sau Mỹ.

Từ năm 2004 - 2008, 10,2% tổng số bài công bố có tác giả là các nhà khoa học nước CHND Trung Hoa. Họ đứng đầu về khoa học châu Á, một vị trí xưa nay thuộc về Nhật Bản.

Hình dưới đây là tỷ lệ của các nước dẫn đầu về số bài báo đăng trên các Tạp chí khoa học quốc tế trong giai đoạn 1999 - 2003 (bên trái) và 2004 - 2008 (bên phải): màu đỏ là Mỹ, màu xám là Nhật, màu xanh lam là Anh, màu lá cây là Đức, màu hồng là Pháp, màu nâu là Trung Quốc, màu lá mạ là Nga, màu vàng là các nước còn lại trên thế giới.

Mỹ vẫn đứng đầu nhưng số bài báo của họ giảm từ 26,4% đến 21,2%. Nhật giảm 2 bậc, từ thứ hai thế giới xuống thứ tư, từ 7,8% xuống 6,1%. Anh giữ nguyên được vị trí thứ ba nhưng cũng giảm tỷ lệ từ 7,1% xuống 6,5%.

Đứng thứ năm là Đức, công bố được 6% tổng số bài báo thế giới, trong khi năm trước là 7%. Pháp cũng nằm vị trí thứ năm song giảm từ 5% xuống 4,4%. Tiếp đó là Canada, Italia, Tây Ban Nha, Ấn Độ.

Ông Chris Llewellin Smith, người đứng đầu công trình nghiên cứu thông kê của Hội Hoàng gia Anh nói: “Thế giới khoa học đang thay đổi, trên sân khấu đang xuất hiện nhanh chóng các diễn viên mới. Ấn tượng nhất là sự vượt lên của Trung Quốc, nhưng sau lưng nhân vật này, chúng ta đã thấy bóng dáng của Đông Nam Á, Trung Đông và Bắc Phi”.

Ông nhận xét: “Sự tăng cường hợp tác quốc tế về khoa học trong thế giới hiện đại là một khuynh hướng rất tốt, cho phép chúng ta gặp gỡ nhau trong sân khấu toàn cầu ngày mai”.

Nghiên cứu một lần nữa khẳng định rằng, chẳng một quốc gia nào đã từng thống trị trong lịch sử lại có thể tự cho phép mình ngủ yên trên vòng nguyệt quế, giữ mãi vị thế đứng đầu trong khoa học.

Kết quả đáng chú ý nhất sau ranh giới của 10 nước đầu tiên phải kể đến Thổ Nhĩ Kỳ. Tốc độ phát triển của họ còn nhanh hơn cả Trung Quốc. Số các bài báo của Thổ Nhĩ Kỳ tăng tới 4 lần trong thời gian từ 1999 đến 2008. Những tiến bộ của Iran cũng thực sự bất ngờ. Số các bài báo được đăng của nước này tăng từ 736 năm 1996 lên đến 13.238 năm 2008.

Trên nền những thành tựu khoa học của các nước phát triển, vị trí của LB Nga đang xấu đi. Trong khoảng thời gian phân tích, Nga đã mất đi 24% về tỷ lệ những sản phẩm khoa học của mình, trong số 10 nước khoa học phát triển nhất và phải nhường chỗ cho Ấn Độ.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất