Trung Quốc tạo ra kỳ tích trong lĩnh vực nuôi sống nửa thế giới: Dự án “hạt phượng hoàng” kéo dài 40 năm

Loại hạt đặc biệt này có giá trị dinh dưỡng rất cao. Sự hình thành của nó có thể được coi là kỳ tích trong lĩnh vực nông nghiệp.

Gạo là một loại hạt rất quen thuộc trong cuộc sống và nguồn lương thực chính nuôi sống hơn 3,5 tỷ người (tức là gần một nửa dân số thế giới), theo FAO. Trên thế giới có nhiều loại gạo với nhiều đặc tính vượt trội nhờ sự không ngừng cải tiến của các chuyên gia nghiên cứu. Tuy nhiên, có một loại gạo được hình thành một cách vô cùng đặc biệt và giá đắt đỏ.

Đó là gạo tre. Loại gạo này có xuất xứ từ Trung Quốc. Gạo tre được thu hoạch từ lúa tre.


Lúa tre có nhiều đặc tính vượt trội so với các giống lúa lai khác.

Theo các chuyên gia tại Tổ chức Kiểm định của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho thấy, lúa tre có nhiều đặc tính vượt trội so với các giống lúa thông thường. Trong đó, gạo tre thu hoạch được từ giống lúa này có chứa nhiều chất dinh dưỡng như canxi, kali, selen, kẽm, đồng, sắt... gấp hàng chục lần so với gạo thông thường và đặc biệt có chứa flavonoid của tre. Đây là chất chống oxy hóa và giúp ức chế vi khuẩn, chống lão hóa.

Gạo tre còn có giá trị y dược khi giúp thanh nhiệt, giải độc, bồi bổ khí huyết... Ngoài ra, lúa tre không những có thân cao, bông lớn mà còn có tính chống chịu rất cao với những điều kiện bất lợi như mưa bão, hạn, bệnh hại... nhờ được kế thừa những đặc tính của cây tre.

Gạo tre được tạo ra như thế nào?


Ông Chung Chương Mỹ được coi là "cha đẻ của lúa tre" ở Trung Quốc.

Loại gạo quý hiếm này được thu hoạch từ lúa tre. Năm 1969, sau khi nhận được sự khích lệ từ thành công tạo ra dòng lúa lai của GS Viên Long Bình, người được mệnh danh là "cha đẻ" của lúa lai thế giới, một nhà nghiên cứu tên là Chung Chương Mỹ ở Viện Khoa học Nông nghiệp Hải Phong thuộc tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), đã phát hiện cây tre ra hoa và từ đó có ý tưởng lai tạo giữa lúa và tre. Ông Chung Chương Mỹ được người Trung Quốc gọi là "cha đẻ của lúa tre".

Nhà nghiên cứu Chung Chương Mỹ tình cờ quan sát được toàn bộ quá trình tre từ khi ra hoa cho đến khi chết. Trong quá trình đó, ông chợt nảy ra một ý tưởng. Tre xanh có nhiều đặc tính ưu việt như ít đổ ngã, chịu hạn, chịu rét, năng suất cao, kháng sâu bệnh. Vì thế, ông nghĩ, sẽ thật tuyệt nếu có thể chuyển giao những đặc tính này cho cây lúa.

Theo đó, vị chuyên gia này đã trồng một số giống lúa và tre cạnh nhau. Ông nhận thấy giữa hai loài này có thể thụ phấn chéo một cách tự nhiên.


Hoa tre nở là hiện tượng rất hiếm gặp. Có loài tre mất tới hơn 100 năm mới trổ hoa.


Đây là hoa của loài tre Fargesia nitida. Nó trổ hoa sau 120 năm. (Ảnh: Shweeash Bamboo).

Trên thực tế, hoa tre là hiện tượng rất hiếm gặp. Tre được coi là một trong những loài cây sinh trưởng nhanh nhất trên Trái đất. Theo Amusing Planet, thông thường một cây tre sẽ mọc cao 10 cm mỗi ngày. Thậm chí, một số loài tre còn có thể mọc cao hơn 1 mét mỗi ngày. Phần lớn những loài tre chỉ cần từ 5 – 8 năm để trưởng thành.

Thế nhưng, tre lại nằm trong số những loài cây ra hoa chậm nhất thế giới. Theo đó, đối với phần lớn các cây tre, thời gian giữa mỗi lần ra hoa là khoảng từ 60 – 130 năm. Kỳ lạ hơn nữa là sau khi trổ hoa, ra quả, cây tre già sẽ chết và khiến cả khoảnh rừng tre hay khóm tre bị úa tàn trong thời gian vài năm sau đó. Theo các chuyên gia, có thể cây mẹ chết để nhường chỗ cho các cây con đâm chồi.

Mỗi loại tre lại có chu kỳ nở hoa khác. Đôi khi cũng có cây tre 10 – 20 năm nở hoa một lần. Nhưng với một số loại hiếm gặp thì chu kỳ nở hoa có thể tới hàng chục năm.


Sau gần 40 năm kiên trì nghiên cứu và lai tạo, ông Chung Chương Mỹ đã tạo ra giống lúa tre có nhiều đặc tính vượt trội.

Hoa tre đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra giống lúa tre. Chính vì vậy, công trình nghiên cứu của ông Chung Chương Mỹ kéo dài tới gần 40 năm. Phải đến năm 2007, công trình nghiên cứu khoa học lai xa giữa lúa và tre mới được Cục Khoa học và Công nghệ Mai Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) phê duyệt công bố, Đến năm 2011, một công trình nghiên cứu về các đặc tính chi tiết của lúa tre được công bố.

Ông Chung Chương Mỹ chia sẻ: "Mong ước ấp ủ từ lâu của tôi là thế giới sẽ tràn ngập cây trồng và nông dân sẽ được hưởng lợi từ điều đó". Đây cũng chính là một niềm tin quan trọng ủng hộ sự kiên trì hàng thập kỷ của Chung trong việc nghiên cứu lúa tre.

Việc thành công tạo ra giống lúa tre đã được nhiều người chú ý khi tỉnh Quảng Đông đem giống lúa này đển triển lãm quốc tế năm 2015 ở Ý. Sau đó, đến năm 2021, 2022, giống lúa tre đã chính thức được trồng tại tỉnh Quảng Đông, đồng thời được Công ty Khoa học công nghệ Lúa tre Quảng Đông chuyển giao vào sản xuất.

Vì sao gạo tre đắt đỏ?


Việc thành công tạo ra lúa tre được coi một bước tiến khả quan trong quá trình cải thiện giống lúa lai.

Ở Trung Quốc, vì khó kiếm nên gạo tre được mệnh danh là "thực phẩm của phượng hoàng". Trong một cuốn bách khoa toàn thư về dược liệu của Trung Quốc cũng ghi rằng loại gạo này có thể giúp cho trí óc tỉnh táo và cơ thể luôn tràn đầy năng lượng.

Thế nhưng, vì số lượng rất khan hiếm cùng việc có nhiều đặc tính ưu việt nên gạo tre có giá rất đắt so với các loại gạo khác. Cụ thể, ở Trung Quốc, gạo tre thường có giá dao động từ 200 – 600 NDT/kg (tương ứng khoảng gần 700.000 – 2.100.000 đồng/kg). Ngoài ra, với những loại gạo tre hiếm có được thu hoạch từ giống lúa tre của những cây tre hàng chục năm mới nở hoa một lần thì giá sẽ càng đắt đỏ.

Hiện nay, diện tích trồng lúa tre ở Trung Quốc vẫn còn hẹp và giới hạn chủ yếu ở tỉnh Quảng Đông. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong thời gian tới, khi diện tích trồng lúa tre tăng lên thì giá gạo tre sẽ giảm hơn.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất