Trung Quốc thử thành công hệ thống nạp nhiên liệu cho vệ tinh ngay trên quỹ đạo

Trung Quốc tuyên bố thử nghiệm thành công hệ thống tái nạp nhiên liệu cho vệ tinh ngay trên quỹ đạo mang tên Tianyuan-1. Đây là kỹ thuật đòi hỏi độ chính xác cao trong việc kiểm soát, đo lường nhiên liệu trong môi trường vi trọng lực và nếu thông tin này là đúng thì Trung Quốc giờ đây đã chính thức được xếp vào số ít những quốc gia có thể thực hiện được điều này.


Tianyuan-1 là hệ thống tái nạp nhiên liệu cho vệ tinh trong không gian đầu tiên do Trung Quốc phát triển.

Được phát triển bởi Đại học công nghệ quốc phòng Trung Quốc, Tianyuan-1 là hệ thống tái nạp nhiên liệu cho vệ tinh trong không gian đầu tiên do Trung Quốc phát triển. Nó được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 7 hồi hôm thứ 7 vừa rồi. Sau khi tới nơi, hệ thống Tianyuan-1 bắt đầu triển khai nhiệm vụ của nó, đồng thời quay toàn bộ quá trình thực hiện và gởi về Trái Đất. Trong báo cáo phát đi mới đây, Đại học công nghệ quốc phòng Trung Quốc cho biết: "quá trình tiếp nhiên liệu được thực hiện một cách ổn định với khả năng đo lường và kiểm soát chính xác nhiên liệu".

Tương tự như việc tiếp nhiên liệu trên không cho máy bay, vệ tinh trong môi trường không trọng lực trên quỹ đạo cũng có thể được tái nạp nhiên liệu nhằm kéo dài thời gian và khả năng hoạt động. Tuy nhiên quá trình này đòi hỏi phối hợp nhiều kỹ thuật phức tạp, độ chính xác cao hơn rất nhiều lần so với tiếp nhiên liệu trên không cho máy bay. Hầu hết công việc đều được tiến hành một cách tự động bằng robot và do yêu cầu trình độ cao nên hiện vẫn rất ít có quốc gia làm được chuyện này.

Việc tiếp nhiên liệu trên quỹ đạo có thể kéo dài thời gian hoạt động của vệ tinh lên từ 1 đến 2 năm, từ đó giúp cắt giảm chi phí triển khai thêm các dự án mới. Mặt khác, cách làm này còn giúp giảm đáng kể lượng rác thải vũ trụ vốn luôn được các nhà khoa học quan tâm tìm cách giải quyết.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất