Trung Quốc xây trạm địa chấn tại núi Everest
Các nhà khoa học Trung Quốc đã bắt đầu đưa vào vận hành một trạm theo dõi động đất ở chân núi Everest với mục đích khám phá thêm nhiều điều về ngọn núi cao nhất thế giới này.
Shang Rongbo, phó giám đốc cơ quan địa chấn khu vực, nói trạm đặt tại huyện Tingri thuộc Tây Tạng, cao 4.255m so với mực nước biển. Trạm sẽ cung cấp dữ liệu về các sự kiện địa chấn dọc biên giới Trung Quốc - Nepal cũng như gửi thông tin địa chấn qua vệ tinh cho các trung tâm nghiên cứu khác.
Do địa hình đặc thù tại Everest, việc cung ứng điện cho trạm theo dõi động đất nói trên phải dựa vào hệ thống điện từ năng lượng Mặt trời. Các nhà khoa học cho biết kể cả trong điều kiện mưa liên tục và trong vòng 5 ngày liền không nắng, hệ thống vẫn đảm bảo đủ điện cho trạm hoạt động.
Everest nằm tại đĩa kiến tạo Âu-Á tiếp giáp đĩa kiến tạo Ấn Độ. Qua nhiều thời kỳ, hai đĩa kiến tạo này va vào nhau, hình thành dãy Himalayas. Trong quá khứ, nhiều trận động đất đã xảy ra tại khu vực này. Riêng đĩa kiến tạo Tây Tạng thường xuyên hứng nhiều trận động đất nhỏ, nhưng trận động đất mạnh 7,9 độ richter xảy ra tại vùng đồi thấp dưới chân núi Himalaya ở Tứ Xuyên vào tháng 5-2008 đã khiến gần 90.000 người thiệt mạng và mất tích.