Tự kỷ: Môi trường quan trọng hơn gien
“Về nguyên nhân gây bệnh tự kỷ, yếu tố môi trường có thể đóng một vai trò quan trọng hơn so với quan niệm trước đây” là kết luận được rút ra từ nghiên cứu về di truyền học tại Mỹ.
Một nhóm nghiên cứu trường ĐH Stanford đã so sánh những trường hợp bị tự kỷ ở 54 cặp song sinh cùng trứng và 138 cặp song sinh khác trứng có chung một nửa số gien giống nhau). Ở mỗi cặp, có ít nhất là 1 trẻ bị tự kỷ.
Họ phát hiện thấy rằng những cặp song sinh cùng trứng có nguy cơ tự kỷ cao hơn những cặp song sinh khác trứng. Nhưng những cặp khác trứng lại có nguy cơ phát triển bệnh tự kỷ cao hơn so với những trẻ em trong các gia đình đã từng có anh chị em bị tự kỷ.
Theo đó, môi trường chung ở các cặp song sinh giải thích cho khoảng 55% trường hợp tự kỷ, tất nhiên, các yếu tố di truyền vẫn đóng vai trò quan trọng.
“Yếu tố môi trường đóng một vai trò quan trọng hơn so với quan niệm trước đây”, TS Joachim Hallmayer, ĐH Y Stanford (California, Mỹ), trưởng nhóm nghiên cứu kết luận.
Trong một nghiên cứu khác của phòng nghiên cứu thuộc công ty bảo hiểm Kaiser Permanente (Oakland, California, Mỹ), Lisa Croen, trưởng nhóm nghiên cứu và là GĐ Chương trình Nghiên cứu tự kỷ, cho biết: những bà mẹ có con tự kỷ có xu hướng uống thuốc chống trầm cảm trong suốt 1 năm trước khi họ mang thai nhiều gấp 2 lần so với các bà mẹ có con khỏe mạnh sau khi kiểm tra hồ sơ y tế các bà mẹ của 300 trẻ tự kỷ và 1.500 trẻ được lựa chọn ngẫu nhiên. Và nguy cơ thậm chí còn lớn hơn (cao gấp 3) khi thuốc được uống trong 3 tháng đầu thai kỳ.
Những phát hiện được đăng tải trên tạp chí Archives of General Psychiatry cho thấy có một số yếu tố trong quá trình mang thai như thuốc, hóa chất hay nhiễm bệnh có thể kích họat chứng tự kỷ ở những trẻ mà đã mang sẵn gien gây bệnh.
“Có những yếu tố gien có thể góp phần làm tăng nguy cơ tự kỷ. Chúng tôi đã có những bằng chứng rõ ràng cho thấy nguyên nhân hàng đầu gây bệnh là di truyền và các yếu tố môi trường trước khi sinh có thể đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của chứng tự kỷ”, Clara Lajonchere, tác giả của nghiên cứu và là chủ tịch chương trình Trẻ tự kỷ nói, cho biết.
Tự kỷ là một tập hợp của nhiều rối loạn, từ không có khả năng giao tiếp đến chậm phát triển tinh thần hay các biểu hiện nhẹ với với hội chứng Asperger. Nó ảnh hưởng tới 1/150 trẻ sinh ra tại Mỹ hay nói cách khác là chiếm 1% dân số.