UNESCO: "Các nước mới nổi giành lợi thế về R&D"
Báo cáo khoa học năm 2010 của Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) công bố ngày 10/11 khẳng định các nước mới nổi đang thách thức mạnh mẽ vị thế của các cường quốc về khoa học-công nghệ như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D).
>>> Khoa học sẽ giúp các dân tộc xích lại gần nhau
Ảnh minh họa. (Nguồn internet)
Báo cáo trên của UNESCO cho thấy bức tranh khoa học-công nghệ thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Hiện các nước mới nổi đang giành được lợi thế trong lĩnh vực này.
Thị phần của châu Á trong tổng đầu tư R&D toàn cầu giai đoạn 2002-2007 đã tăng từ 27% lên 32% trong khi lại không tăng ở Đức, Pháp, Anh và thậm chí còn giảm ở Mỹ và Nga.
Năm 2002, các nước phát triển thực hiện 83% các hoạt động R&D, song tỷ lệ này đã giảm xuống còn 76% trong năm 2007. Xu thế này càng rõ ràng hơn nếu tính cả phần đóng góp của công nghiệp vào tổng chi tiêu trong nước cho R&D.
Tổng Giám đốc UNESCO, bà Irina Bokova, nhấn mạnh việc phân công các hoạt động R&D giữa các nước phương Bắc và phương Nam cũng thay đổi với sự nổi lên của các tác nhân hành động mới trong nền kinh tế thế giới.
Thế giới khoa học-công nghệ hai cực chi phối bởi bộ ba Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đang dần nhường chỗ cho thế giới đa cực với số trung tâm nghiên cứu công và tư ngày càng tăng ở cả phương Bắc và phương Nam.
Tỷ lệ các nhà nghiên cứu ở các nước đang phát triển trong tổng số các nhà nghiên cứu toàn cầu tăng từ 30% năm 2002 lên 37% năm 2007. Tuy vẫn dẫn đầu thế giới nhưng số ấn phẩm khoa học của các nước phát triển đã giảm từ 84% năm 2002 xuống 75% năm 2008.
Bên cạnh đó, báo cáo khoa học năm 2010 của UNESCO còn cảnh báo nạn chảy máu chất xám từ các nước đang phát triển sang các nước phát triển vẫn tiếp tục.
Trong khi các nước đang phát triển đào tạo được nhiều hơn các nhà khoa học và các nhà nghiên cứu, song điều này không đồng nghĩa với việc các nhà nghiên cứu này sẽ tìm việc làm ở trong nước, tạo ra làn sóng di cư Nam-Bắc, Bắc-Bắc.
Thống kê cho thấy ít nhất 1/3 các nhà nghiên cứu của châu Phi di cư ra nước ngoài trong năm 2009.
Trong số 59 triệu lao động di cư hiện đang sống tại các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) có tới 20 triệu là lao động trình độ cao.
Tổng Giám đốc UNESCO Bokova nhấn mạnh tăng cường hợp tác khoa học khu vực và quốc tế có vai trò quan trọng để vượt qua các thách thức toàn cầu ngày càng phức tạp và không ngừng tăng.
Trong những năm tới, ngoại giao quốc tế sẽ hoạt động dưới dạng ngoại giao khoa học. Do đó, UNESCO sẽ thúc đẩy các nỗ lực tăng cường đối tác và hợp tác quốc tế, đặc biệt là hợp tác Nam-Nam.