Ứng cử viên mới cho ngôi vị "thiên hà cổ nhất"

Một nhóm các nhà thiên văn Nhật Bản cho biết đã tìm ra thiên hà cổ nhất vũ trụ và đây được xem là phát hiện có thể cạnh tranh với các tuyên bố “thiên hà cổ nhất” khác.

Theo tính toán của các chuyên gia thuộc Đài Quan sát Thiên văn quốc gia (Nhật Bản) thì thiên hà có tên SXDF-NB1006-2 này hình thành cách đây 12,91 tỉ năm ánh sáng. Công trình nghiên cứu này sẽ được đăng trên chuyên san Astrophysical Journal.


Hình ảnh chụp qua kính thiên văn Subaru - (Ảnh: NAOJ)

Kết quả trên đã rút ra từ dữ liệu thu thập được từ kính thiên văn Subaru và Keck trên đỉnh Mauna Kea ở Hawaii (Mỹ).

Một năm ánh sáng có nghĩa là khoảng cách ánh sáng di chuyển trong một năm dài, khoảng 6.000 tỉ dặm (1 dặm tương đương 1,6km).

Richard Ellis - một chuyên gia trong lĩnh vực hình thành thiên hà và vũ trụ tại Viện Công nghệ California (Mỹ) đánh giá báo cáo của nhóm chuyên gia Nhật Bản có sức thuyết phục hơn những tuyên bố tương tự trước đây nhờ nhóm này sử dụng các phương pháp được nhiều người công nhận.

Vào năm 2010, một nhóm chuyên gia Pháp dùng kính thiên văn Hubble và tuyên bố đã xác định được một thiên hà cách đây 13,1 tỉ năm ánh sáng.

Một năm sau, một nhóm chuyên gia tại California, Mỹ cùng nhờ đến Hubble để thấy được thiên hà cách đây 13,2 tỉ năm ánh sáng, theo báo cáo trên chuyên san Nature.

Tuy nhiên, cả hai nhóm chuyên gia dùng kính thiên văn Hubble vẫn chưa thể chứng thực được tuyên bố của mình bằng các phương pháp khác.

Trước tuyên bố của nhóm chuyên gia Nhật Bản, một nhóm chuyên gia ở Đại học bang Arizona (Mỹ) cũng vừa lên tiếng khẳng định đã tìm ra thiên hà cách đây 13 tỉ năm ánh sáng, nhờ vào đài thiên văn ở Chile.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất