Ứng xử thế nào với năng lượng hạt nhân?

Cần đặt ra tiêu chuẩn chặt chẽ về an toàn hạt nhân nhằm bảo đảm không để xảy ra các thảm họa như Chernobyl và Fukushima.

Thông điệp từ diễn đàn Liên Hợp Quốc

Sự cần thiết về năng lượng hạt nhân đối với nhân loại và sự cấp thiết hơn bao giờ hết nâng cao hơn nữa về mức độ an toàn hạt nhân, an toàn phóng xạ. Đó là thông điệp lớn nhất, chung nhất của hầu hết các quốc gia trên thế giới cất lên ở diễn đàn Liên Hợp Quốc (LHQ).


25 năm kể từ thảm họa hạt nhân lớn nhất trong lịch sử. Ảnh: Boston.com.

Đúng ngày 26/4/2011, tại New York, Đại hội đồng LHQ khóa 65 tổ chức phiên họp đặc biệt kỷ niệm 25 năm thảm họa hạt nhân Chernobyl. Trong bài phát biểu khai mạc, Tổng Thư ký Ban Ki-moon nhắc lại hậu quả khủng khiếp của thảm họa Chernobyl 25 năm trước đây, đồng thời liên hệ tới sự kiện nghiêm trọng ở Nhà máy Fukushima, Nhật bản, vừa mới xảy ra.

Ông nhấn mạnh: cần một lá chắn hạt nhân toàn cầu để bảo vệ toàn thế giới và lá chắn này sẽ được Liên hợp quốc ủng hộ nhằm đảm bảo các nhà máy điện hạt nhân là nguồn năng lượng hòa bình của nhân loại.

Về hệ thống pháp lý, ông đề nghị cộng đồng thế giới mở rộng các nghị định thư hiện hành để tăng cường hợp tác năng lượng hạt nhân quốc tế và phản ứng khẩn cấp trước những sự cố xảy ra.

Về mặt công nghệ, ông kêu gọi phải cải thiện và tăng cường sự bảo đảm an toàn hạt nhân và an toàn phóng xạ. Một mặt, nỗ lực phát triển các thế hệ lò phản ứng hạt nhân mới với những tính năng an toàn cao nhất, mặt khác, đầu tư nghiên cứu để loại bỏ hoặc lưu giữ an toàn nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.

Tiếng nói cất lên từ nơi xảy ra ”Chernobyl”

Thông điệp trên đây cũng đồng thời cất lên từ chính nơi đã xảy ra thảm họa hạt nhân lớn nhất trong lịch sử ngành năng lượng hạt nhân thế giới. Nơi đây, lễ tưởng niệm các nạn nhân Chernobyl bắt đầu vào nửa đêm 26/4, tại Nhà thờ Chính thống giáo, khi Giáo trưởng Kirill kéo chuông đúng thời điểm 25 năm trước xảy ra vụ nổ lò phản ứng hạt nhân ở Nhà máy ĐHN Chernobyl.

Cũng trong dịp này Tổng thống Nga, Dmitry Medvedev tới thăm Chernobyl và tham gia các hoạt động tưởng niệm tại đây. Phát biểu ở buổi lễ kỷ niệm trên mảnh đất Ukraine này, ông Medvedev kêu gọi các nước tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân. Ông nói: Những thảm họa gần đây, đặc biệt là khủng hoảng hạt nhân tại Nhà máy Fukushima, Nhật Bản, cho thấy cần áp dụng các biện pháp thích hợp nhất nhằm bảo đảm năng lượng hạt nhân phục vụ cho mục đích hòa bình, đồng thời đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng trên thế giới.


Một em bé đang chỉ vào hình ảnh bà mình tài đài tưởng niệm các nạn nhân trong thảm họa Chernobyl. Ảnh: AFP.

Tổng thống Medvedev cho rằng, các nước cần đặt ra tiêu chuẩn chặt chẽ về an toàn hạt nhân nhằm bảo đảm không để xảy ra các thảm họa như Chernobyl và Fukushima. Vấn đề an toàn hạt nhân không chỉ là vấn đề của một quốc gia, mà của toàn thế giới.

Trước đó, ngày 25/4, phát biểu tại Lễ tôn vinh và trao tặng Huân chương Dũng cảm cho 16 người từng tham gia khắc phục hậu quả của thảm họa Nhà máy ĐHN Chernobyl, ông Medvedev tuyên bố: "Chúng ta không được khép lại cánh cửa đi tới tiến bộ. Hạt nhân hòa bình là nguồn năng lượng rẻ nhất và sạch nhất".

Tổng thống Nga còn nhấn mạnh thêm: các tiêu chuẩn an toàn cần phải đạt mức cao nhất. Ông khẳng định: Nga đã đúc rút được những bài học và các tiêu chuẩn an toàn hạt nhân của Nga hiện nay cao hơn so với các nước khác.

Tiếng nói đa chiều từ số đông

Chính trong dịp gợi lại trong ký ức về thảm họa hạt nhân Chernobyl một phần tư thế kỷ trước và đặc biệt khi thảm họa hạt nhân Fukushima đang còn rất mới mẻ, tâm trạng lo lắng và hành xử bức xúc không kìm nén được ở nhiều người, tại một số nước là điều tự nhiên, hoàn toàn hiểu được.

Trong số đó có cả những người trong 3-4 thập niên nay đã và đang sử dụng điện hạt nhân. Đó là cuộc biểu tình diễn ra tại cây cầu bắc qua sông Rhine, nối Pháp và Đức, giữa Strasbourg và Kehl, với khẩu hiệu kêu gọi tránh lặp lại thảm họa Chernobyl và Fukushima.

Và cả những người đang sống cách xa các địa điểm “dự kiến” xây nhà máy ĐHN ngót một ngàn cây số trở lên, nằm trên lãnh thổ các nước láng giềng. Đó là cuộc tụ họp ở Bangkok với sự tham gia khoảng ba, năm chục người bày tỏ sự phản kháng các nước láng giềng này đã, đang hoặc dự định sẽ xây dựng các nhà máy điện hạt nhân.

Cũng chính trong thời điểm đầy nhạy cảm này đối với nền công nghiệp hạt nhân, có thể nhận thấy một sự trầm lắng, suy tư và tỉnh táo của số đông người dân ở nhiều nước trên thế giới.

Và có cả tiếng nói đồng tình mạnh mẽ. Trường hợp ở nước Thụy Điển là một ví dụ. Nhiều người đã biết, sau sự cố hạt nhân Three Mile Island ở Mỹ năm 1979, Thụy Điển bỏ phiếu đóng cửa toàn bộ các lò phản ứng hạt nhân vào năm 2010. Tuy nhiên, quyết định đã bị chính phủ gần đây từ bỏ, chỉ có 2 lò phản ứng quá hạn sử dụng bị đóng cửa. Hiện nay, nước này có 10 lò phản ứng hạt nhân cung cấp gần 50% nhu cầu về điện cho cả nước.

Đặc biệt gần đây, trong cuộc trưng cầu ý kiến mới nhất về việc xây dựng một bãi chứa 5.000 tấn nhiên liệu đã qua sử dụng (gọi là rác thải hạt nhân) ngay ở khu vực mình sinh sống, có đến 88% cư dân Osthammar, một cộng đồng nằm bên bờ biển ở Thụy Điển, đã phát biểu đồng ý. Giải thích sự kiện trên, Nhà vật lý hạt nhân Claes Thegerstrom cho biết: Người Thụy Điển thích năng lượng hạt nhân hơn, và sợ sự nóng lên của toàn cầu hơn.

Tóm lại, trong tình hình phát triển kinh tế hoàn cầu hiện nay, nhu cầu điện năng ngày càng tăng. Mỗi loại năng lượng có những ưu thế riêng và nhược điểm riêng. Nhưng trong vòng ba bốn thập niên sắp tới, chưa nhìn thấy nguồn năng lượng nào khả dĩ đáp ứng nhu cầu phát triển của nhân loại. Năng lượng hạt nhân, cụ thể là điện hạt nhân (hay điện phân hạch), là sự lựa chọn tối ưu nhất hiện nay.

Sự lo ngại sau sự cố Chernobyl trước đây và Fukushima vừa rồi không thể bắt nhân loại quay lưng với điện hạt nhân, chỉ buộc mọi quốc gia phải rút ra được những bài học quý giá, tăng cường bảo đảm an toàn hạt nhân, an toàn phóng xạ đến mức cao nhất nếu muốn bước vào con đường phát triển nguồn điện năng này.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất