Uống 1 viên thuốc/ngày, bớt sợ nhiễm HIV...

Theo phương pháp PrEP của BS. Marcus Conant (Mỹ), anh John uống một viên thuốc/ngày, về cơ bản giảm được rủi ro nhiễm HIV mà không cần đến bao cao su khi sinh hoạt tình dục. Phương pháp này tuy không thay thế được vắc xin HIV nhưng là một cách đơn giản nhất giảm 2/3 nguy cơ lây nhiễm HIV cho người đồng tính. 


Năm 2007, sau 25 năm cố gắng, việc tìm kiếm vắc xin phòng chống HIV/AIDS đã thất bại. Một số phương pháp khác được thăm dò, nhưng phương pháp phòng chống trước khi tiếp xúc - PrEP (pre-exposed prophylaxis) tỏ ra có hiệu quả để chống HIV lây lan. Tất nhiên, việc tuyên truyền và sử dụng các biện pháp tình dục an toàn là vô cùng quan trọng, nhưng PrEP sẽ đóp góp đáng kể vào việc ngăn ngừa…

Là một người đồng tính sống ở Mỹ, John đã chứng kiến các chiến dịch tuyên truyền chống HIV/AIDS tại đây. Tuy anh hiểu biết và được thông tin đầy đủ nhưng đôi khi vẫn trải qua những lần tình dục không an toàn vì không phải lúc nào cũng mang sẵn bao cao su bên mình.

Nhưng người đồng tính thường thế. Song thực ra hành động của anh là cố tình, theo ý của bác sĩ. Ông ta kê cho John các toa hạ thấp nguy cơ “dính” HIV để phục vụ cho những thí nghiệm mà anh là một trong số những người đã thoả thuận cùng ông hợp tác nghiên cứu.

Chiến lược này gọi là phòng chống trước khi tiếp xúc (pre-exposed prophylaxis, viết tắt là PrEP) giữa anh với BS. Marcus Conant, một người hoạt động lâu năm cho Phong trào bảo vệ quyền lợi cho người đồng tính. Chưa được thử nghiệm lâm sàng, nhưng ông đã thấy phương pháp của mình có nhiều triển vọng. Bằng cách mỗi ngày uống một viên thuốc, về cơ bản John đã giảm được rủi ro nhiễm HIV mà không cần đến bao cao su khi sinh hoạt tình dục. Dường như đây là một phương pháp đơn giản nhất giảm được 2/3 nguy cơ lây nhiễm HIV cho những người đồng tính.

Hiện nay, phương pháp PrEP của BS. Conant mới thành công trên một số lượng người còn hạn chế nhưng chắc chắn tình hình sẽ thay đổi rất nhanh. Chỉ năm sau, nó sẽ được thử nghiệm trên quy mô lớn và sẽ cho kết quả đầu tiên. Nếu thành công, PrEP có thể cứu được hàng triệu người khỏi đại dịch thế kỷ đang lan nhanh khắp thế giới mà mỗi ngày có 7.000 người bị lây nhiễm thêm.

 

PrEP xuất xứ từ chiến lược có tên là “phòng bệnh sau khi tiếp xúc” (post-exposed prophylaxis, viết tắt PrEP), với mục đích dùng sau khi bị tiếp xúc với HIV. Phương pháp PrEP được áp dụng từ những năm 1980, chủ yếu để điều trị cho trẻ sơ sinh mà mẹ bị nhiễm HIV khi mang thai.

Phương pháp PrEP chọn dùng thành phần Tenofovir đơn thuần hoặc kết hợp hai loại là Tenofovir và Emtricitabine thành viên dùng hàng ngày (tên thuốc 2 thành phần này được gọi là Truvada).

Không phải vì những kết quả ban đầu đáng khích lệ mà phương pháp PrEP không bị chỉ trích. Nỗi lo chủ yếu là nó sẽ được người ta tự đánh lừa mình là tuyệt đối an toàn để “thả lỏng” mình trong sinh hoạt tình dục, khiến sự lan truyền virus HIV càng nhanh hơn, xa hơn. Và chính sự giản đơn cũng có thể khiến người ta ngộ nhận, chọn thuốc một cách thiếu thận trọng hoặc tự mình tiêm những thuốc bất hợp pháp.

Hiện nay, việc tìm ra vắc xin chống HIV tỏ ra không nhiều triển vọng, nếu không nói là phải tạm thời dừng lại để tìm đường, nhiều chuyên gia hàng đầu coi PrEP là một vũ khí đầy tiềm năng để chống lại HIV. “Có một số xì xào về PrEP”, Anthony Fauci, Viện trưởng Viện Dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia của Hoa Kỳ nói, “nhưng những lạc quan thận trọng và có cơ sở vẫn nhiều hơn”.

Sở dĩ người ta đặt hy vọng vào PrEP vì suốt 25 năm qua, kể từ khi phát hiện ra virus HIV, người ta đã đề xuất một số vắc xin, nhưng chỉ có 2 loại không “đứt gánh giữa đường” và cả hai đều đã thất bại. Gần đây nhất loại thứ ba tỏ ra có triển vọng hơn cả, nhưng năm ngoái đã hoàn toàn bất lực trước HIV.



Từ đó, các nhà khoa học thừa nhận rằng, chúng ta chưa hiểu biết đầy đủ về virus và cần phải nghiên cứu cơ bản nhiều hơn nữa trước khi bắt đầu thử nghiệm trên người.

Kể từ khi vắc xin dường như đi vào ngõ cụt, người ta lại bắt đầu quan tâm đén các chiến lược khác. Trước hết, người ta quay lại với các loại thuốc diệt virus thường dùng nơi bộ phận sinh dục và trực tràng, dưới dạng gel trước khi quan hệ tình dục. Tuy nhiên, lĩnh vực này cũng không thành công. Trước hết, một hoá chất diệt virus có tên là nonoxynol-9 được phát hiện có tính kích thích lớp phủ âm đạo, gây tác dụng ngược lại, làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Hai chất hứa hẹn khác trong 2 năm qua cũng bị loại bỏ vì những nguyên nhân chưa rõ ràng.

Một số chất diệt virus đang thử nghiệm lâm sàng, song trong vài năm tới chưa thể có kết luận. “Phải đợi quá lâu như vậy cũng có nghĩa là thất bại”, Alan Stone, cựu Chủ nhiệm đề tài chất diệt virus quốc tế nhận xét.

Sự thuận tiện của phương pháp PrEP là ở chỗ, nó dùng ngay các loại thuốc trị HIV quen thuộc và có hiệu quả cao, ra đời từ lâu trước khi các loại vắc xin và thuốc diệt virus nói trên được thử nghiệm. Chúng ức chế sự nhân bản virus, làm quá trình dẫn đến AIDS bị chậm lại. Người ta hy vọng rằng, nếu dùng để phòng bệnh, chúng cũng chặn đứng được sự nhân bản hiệu quả như hệ miễn dịch và ngăn cản được sự lây nhiễm tiếp theo.



Các thử nghiệm trên súc vật cho thấy cả Tenofovir và Truvada đều phong toả việc lây nhiễm HIV và Truvada có hiệu quả hơi cao hơn đôi chút. Mức độ bảo vệ phụ thuộc vào loại thuốc và liều lượng sử dụng, theo Lynn Paxton, đứng đầu nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Phòng chống bệnh tật tại Atlanta, bang Georgia.

Việc thử trên người đã được tiến hành với 936 người phụ nữ ở Ghana, Nigeria, Cameroon nhưng chưa đủ thời gian để kết luận chắc chắn. Kết quả ban đầu cho thấy nhóm đối chứng có 6 người bị nhiễm HIV, trong khi nhóm dùng thuốc chỉ có 2. Điều rất tốt là phản ứng phụ không có gì nghiêm trọng, chỉ là đi ngoài nhẹ, nôn và mệt. Không thấy thận bị hư hại.



Việc thử nghiệm thuốc đang được tiến hành trên quy mô lớn, trên tổng số 19.000 người bao gồm người đồng tính nam, người nghiện ma tuý nặng, và những phụ nữ bị nhiễm HIV có chồng cũng vậy, ở khắp nơi trên thế giới. Sang năm, người ta có thể kết luận về hiệu quả phòng và chống HIV khi dùng Tenofovir và năm 2010 mới có kết luận với Truvada.

Việc thử nghiệm trên súc vật cho thấy, không nhất thiết phải dùng thuốc hằng ngày, mà 2 lần một tuần hoặc vài ngày trước hoặc sau khi có quan hệ tình dục cũng đủ. “Để giảm chi phí và giảm độc hại của thuốc”, Mike Youle, Giám đốc nghiên cứu Bệnh viện Hoàng gia London, người đầu tiên vận động hành lang để được phép thử nghiệm rộng rãi phương pháp PrEP nói: “Đâu phải ai cũng quan hệ tình dục mỗi ngày”. Các bệnh nhân của bác sĩ Conant được khuyến cáo, nếu ai đó có quan hệ tình dục vào cuối tuần thì nên dùng thuôc vào thứ sáu, thứ bảy, Chủ nhật.

Tuy nhiên, không nên hiểu PrEP là phương pháp thay thế cho vắc xin. Paxton nói: “Cũng đừng nghĩ rằng hiệu quả của nó phải tuyệt đối”. Dựa trên PrEP, người ta ước đoán hiệu quả của PrEP chỉ đạt 60 đến 70%. Người ta cũng sợ rằng do chủ quan, ỷ vào hiệu quả của phương pháp, người ta không giữ gìn nữa mà buông thả trong quan hệ tình dục. Paxton nói thêm: “Chúng tôi luôn luôn nhắc nhở mọi người, PrEP cũng không thay thế được bao cao su mà chỉ hỗ trợ cho bao cao su mà thôi”.

HIV là loại virus rất quái ác, chúng dễ dàng tiến hoá để tự miễn dịch với các thuốc diệt trừ virus. Chính vì thế, trong thuốc điều trị AIDS bao giờ cũng kết hợp 3 thành phần để xác suất HIV chống lại cả ba đồng thời là rất nhỏ.

Điều lo ngại tiếp là, những người dương tính với HIV không biết rằng PrEP chỉ chứa 1 hoặc 2 loại thuốc nên virus họ mang theo vẫn “lọt lưới” và họ là nguồn lây nhiễm tiềm năng sang người đã áp dụng PrEP. Trong trường hợp này, thuốc không hiệu quả đối với cả họ cũng như “đối tác” của họ, dù cả hai bên đã dùng thuốc.

Tenofovir và Truvada không dễ dàng bị lờn thuốc như các chất diệt virus khác, nhưng không có nghĩa là hiện tượng lờn thuốc hoàn toàn không xảy ra. Cách giải quyết là những người đã áp dụng phương pháp PrEP vẫn cần thường xuyên đi thử HIV.

Đối với những nước nghèo, việc áp dụng phương pháp PrEP vẫn còn là vấn đề lớn. Giá thuốc đối với họ vẫn là cao, ví dụ Truvada chỉ được bán với giá 1 USD/ngày và giá ấy vẫn khó mà đến tay người cần sử dụng.

Rõ ràng PrEP không phải là thần dược, nhưng nó có thể là một biện pháp tình thế rất quan trọng và có hiệu lực chừng nào người ta chưa phát minh ra được vắc xin chống HIV/AIDS. Stone nói: “Chúng ta càng có nhiều phương án thì càng tốt. Chúng ta không thể chờ đợi mà không làm gì. Chúng ta luôn luôn phải cố gắng hết mình bằng mọi cách để chống đại dịch đang là nguy cơ lớn của nhân loại”.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất