Uống bao nhiêu ly rượu, bia thì không say?
Rượu bia là nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh tật, chấn thương và là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh. Vậy uống thế nào để giảm thiểu nguy cơ tổn hại sức khỏe?
Bác sĩ Trần Quốc Bảo, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho hay mức độ tiêu thụ rượu bia của Việt Nam hiện xếp ở mức rất cao: thứ hai trong các nước Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 thế giới. Mức độ tiêu thụ cũng gia tăng nhanh. Nam giới trung bình 27,2l/người/năm. Trong đó có tới 1/4 người uống ở mức nguy hiểm.
Rượu bia là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, trong đó 20% ca tử vong do tai nạn giao thông; 30% do ung thư thực quản, gan, động kinh và giết người; 50% do xơ gan; 3,3 triệu người tử vong do liên quan đến rượu bia trên toàn thế giới.
Uống bao nhiêu là vừa?
Bác sĩ Bảo cho hay không có mức độ uống rượu bia nào là an toàn. Hậu quả do sử dụng rượu bia khác nhau phụ thuộc vào tuổi, giới tính, hoàn cảnh và cách thức uống. Một số cá nhân dễ bị tổn thưởng còn bị tăng tính nhạy cảm đối với tính độc, kích thích tâm thần và gây nghiện của rượu bia. Các bằng chứng khoa học cho thấy uống một lượng rất nhỏ rượu bia cũng có thể gây ra các nguy cơ và hậu quả sức khỏe nhất định.
Không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày với nam, 1 đơn vị cồn/ngày với nữ.
Do đó, để giảm thiểu nguy cơ, không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày với nam, 1 đơn vị cồn/ngày với nữ và không uống quá 5 ngày/tuần. Một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch nước uống, tức tương đương với 3/4 chai hoặc lon bia 330ml (5%), 1 ly rượu vang 100ml (13,5%), 1 cốc bia tươi 330ml hoặc một chén rượu mạnh 30ml (40%).
Nếu có uống nên kiểm soát lượng uống. Uống từ từ, kết hợp vừa ăn vừa uống, xen kẽ cùng nước lọc.
Theo Cục Y tế dự phòng, hiện nay cũng có một số ý kiến cho rằng nếu uống bia thì ít gây hại cho sức khỏe hơn so với uống rượu. Đây là quan niệm không đúng bởi tác hại chủ yếu là do chất cồn (ethanol) trong đồ uống gây ra, vì vậy tác hại do rượu bia không phụ thuộc vào loại đồ uống (là bia hay rượu) mà phụ thuộc vào lượng uống (tiêu thụ bao nhiêu gam cồn) và cách thức uống (tần suất sử dụng).
Một vấn đề đáng quan tâm khác đó là rượu bia gây lệ thuộc làm cho người uống không tự kiểm soát được hành vi uống của bản thân. Chất cồn là một chất hướng thần gây nghiện nếu uống thường xuyên sẽ làm cho người uống phải gia tăng liều dùng và tái sử dụng.
Trong dịp Tết cổ truyền sắp tới, nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, phòng chống những nguy cơ bệnh tật, tai nạn nguy hiểm và các hậu quả xã hội khác, Cục Y tế dự phòng mạnh mẽ khuyến cáo người dân không nên lạm dụng rượu bia, đặc biệt không uống khi tham gia điều khiển các phương tiện giao thông, khi vận hành máy móc, có thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn hoặc có các tình trạng bệnh lý phải tránh đồ uống có cồn.
Không có mức độ uống rượu bia nào là an toàn.
Điều nguy hại nữa là ở nước ta có tới trên 80% rượu nấu thủ công có chứa các chất độc hại vượt quá hàm lượng cho phép như: Aldehyd, methanol, đặc biệt là Furfurol sinh ra trong quá trình sản xuất rượu với công nghệ thấp. Đây là chất rất độc hại cho bộ máy tuần hoàn, hô hấp, thần kinh. Đó là nguyên nhân của nhiều bệnh như tim mạch, ung thư, mất trí nhớ và dị tật thai nhi. Chính vì vậy, tiêu chuẩn về rượu đều phải âm tính với furfurol.
Aldehyt vượt mức cho phép cũng sẽ gây ngộ độc mãn tính thần kinh, run tay chân, đau đầu, giảm trí nhớ. Điều tra yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2015 của Cục YTDP cho hay trong số nam giới uống rượu bia trong một tuần vừa qua có 64% có uống rượu tự nấu, tự pha chế.
Rượu bia là nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh tật, chấn thương và là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh.
|