Uống thuốc cũng phải đúng cách
Nuốt khan thuốc viên hay uống cùng nước chè, nước vối, đồ uống có gas hoặc dỗ trẻ uống thuốc với sữa, nước hoa quả hoặc nước đường... đều ảnh hưởng đến việc hấp thu thuốc, thậm chí làm giảm tác dụng điều trị.
Uống thuốc với nhiều nước sẽ giúp thuốc tiếp cận với bề mặt của ống tiêu hóa nhiều hơn, tức làm tăng diện tích tiếp xúc nên thuốc được hấp thu nhanh hơn vào máu, hiệu quả điều trị của thuốc được kịp thời.
Đối với những thuốc có độ tan kém, lượng nước uống kèm không những làm tăng độ tan mà còn giúp thuốc hấp thu nhanh và triệt để hơn.
Theo một nghiên cứu về thuốc trên 4.600 người bệnh cùng lúc uống 6 loại thuốc trở lên, có khoảng 70% gây tác dụng phụ. Nguyên do, mỗi một loại thuốc đều có công hiệu riêng, mang tính chất và phản ứng khác nhau, có tác dụng đối với các bộ phận trong cơ thể con người và có công hiệu trong thời gian cũng khác nhau.
Do đó, uống nhiều loại thuốc cùng lúc sẽ ảnh hưởng đến việc hấp thu, phân bố, trao đổi và đào thải, cũng như sự kết hợp giữa thuốc với nhau. Nếu như loại thuốc có chất chua uống cùng với kháng sinh sẽ làm giảm công hiệu của thuốc, hai loại thuốc này nên uống cách nhau 2-3 giờ. Vì vậy, nếu bắt buộc phải uống nhiều loại thuốc thì nhất định phải sắp xếp thời gian và số lần cho hợp lý, uống mỗi một loại thuốc ít nhất cách nhau khoảng một giờ.
- Nước nho ép: Dùng nước nho ép để uống thuốc có thể làm giảm tác dụng và tăng phản ứng phụ của thuốc chữa bệnh bởi nước này có thể ức chế enzyme trong quá trình hấp thụ thuốc, ví dụ như thuốc chữa bệnh tim mạch, thuốc chống trầm cảm và thuốc chống nấm.
- Cà phê, chè, coca: Trong thời gian đang uống thuốc chữa bệnh hen nếu dùng quá nhiều caffein (hợp chất trong cà phê) có thể làm tăng các phản ứng phụ. Ngoài ra, caffein có thể có hại cho dạ dày, vì vậy khi dùng các loại thuốc chống viêm nhiễm như ibuprofen thì không nên dùng chè, coca và cà phê.
- Sữa: Canxi có trong sữa có thể làm cản trở mức hấp thu của một số loại thuốc kháng sinh.
- Rượu: Trong khi đang dùng thuốc, nhất là acetaminophen, nếu uống rượu sẽ làm tăng nguy cơ phá hủy gan. Ngoài ra rượu còn hạn chế tác dụng chữa bệnh của các loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc chữa bệnh thần kinh và làm tăng tác dụng phụ của một số loại thuốc chữa bệnh khác. Tốt nhất là trong quá trình điều trị, uống thuốc thì không nên dùng rượu, bia.
- Nước dâu ép: Theo một số nghiên cứu khoa học thì khi dùng wafarin - một loại thuốc chống đông máu - nếu dùng nước dâu ép có thể tăng quá trình chảy máu.
- Các loại đồ uống có chứa chất xơ: Chất xơ có trong các loại đồ uống sẽ làm liên kết nhiều loại thuốc khác nhau và hậu quả làm giảm hiệu quả chữa bệnh của thuốc.