Uy lực tàu ngầm mang tên lửa Tomahawk Mỹ điều tới gần Triều Tiên

Tàu ngầm USS Michigan mang 154 tên lửa hành trình Tomahawk, có thể tấn công mục tiêu từ khoảng cách 1.600-2.500 km.


Hoạt động trên tàu ngầm USS Michigan.

Tàu ngầm hạt nhân USS Michigan (SSGN-727) của hải quân Mỹ hôm nay cập cảng Busan, Hàn Quốc, cùng thời điểm Triều Tiên kỷ niệm 85 năm ngày thành lập quân đội. USS Michigan dự kiến tham gia diễn tập gần bán đảo Triều Tiên cùng cụm tàu sân bay chiến đấu USS Carl Vinson và hải quân Hàn Quốc, Reuters đưa tin.

USS Michigan là một trong 4 tàu thuộc lớp tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN) Ohio được hải quân Mỹ hoán cải để mang theo tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk (TLAM).

Tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio nguyên bản được trang bị 24 tên lửa đạn đạo gắn đầu đạn hạt nhân Trident I C4, mỗi quả có tầm bắn 7.400 km, sức công phá tương đương 53 quả bom nguyên tử ném xuống thành phố Hiroshima.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nguy cơ đối đầu hạt nhân giữa các siêu cường giảm nhiệt, 4 tàu ngầm lớp Ohio được tháo bỏ tên lửa hạt nhân và trang bị TLAM để tăng cường khả năng tấn công mặt đất. Các tàu này được đổi định danh thành tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình (SSGN), USS Michigan cũng được đổi số hiệu từ SSBN-727 sang SSGN-727.


Tàu USS Michigan cập cảng Busan. (Ảnh: Hải quân Mỹ.)

Sau khi hoán cải, USS Michigan mang được 154 tên lửa Tomahawk trong 22 trên tổng số 24 ống phóng tên lửa, nhiều hơn cả một biên đội tàu mặt nước. Toàn bộ số tên lửa này có thể phóng theo loạt từ dưới nước trong vòng 6 phút. Tên lửa Tomahawk trị giá 1,5 triệu USD/quả, được lắp đầu đạn nặng 454 kg, tầm bắn khoảng 1.600-2.500 km, dẫn đường bằng hệ thống định vị toàn cầu (GPS).

Hai ống phóng còn lại được chuyển đổi thành cửa mở đặc biệt để triển khai hơn 60 lính đặc nhiệm hải quân SEAL. Chúng cũng được dùng để phóng tàu lặn không người lái (UUV), tàu ngầm chở lính SEAL (SDV), phao định vị thủy âm và các loại cảm biến dưới nước khác.

Không như các tàu chiến hay chiến đấu cơ, tàu ngầm USS Michigan có thể tiến đến gần bờ biển đối phương mà không bị phát hiện, phóng tên lửa Tomahawk đánh trúng mục tiêu ở sâu trong đất liền, sau đó lặn sâu và thoát ra ngoài để tránh bị đánh trả.

Nhiệm vụ của SSGN-727 là áp chế, tiêu diệt các hệ thống tên lửa phòng không và chống hạm trong đợt tấn công phủ đầu, mở đường cho máy bay và tàu mặt nước khai thác lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ đối phương. Các tàu ngầm trang bị tên lửa hành trình như USS Michigan là công cụ hữu hiệu để đối phó với chiến lược chống xâm nhập/chống tiếp cận khu vực (A2/AD) của đối phương, chuyên gia quân sự Sebastien Roblin khẳng định.


Tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình USS Michigan. (Đồ họa: Naval Analyses.)

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất