Vaccine cúm toàn cầu có thể sắp ra đời
Các nhà khoa học phát hiện một liều Flu-v có thể kích thích phản ứng miễn dịch mạnh nhằm vào những bộ phận phổ biến ở nhiều chủng virus cúm.
Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Annals of Internal Medicine hôm 9/3, các nhà khoa học phát hiện một liều Flu-v có thể kích thích phản ứng miễn dịch mạnh hơn giả dược trong thử nghiệm nhỏ gồm 175 tình nguyện viên. Kết quả này cho thấy vaccine an toàn và có tiềm năng hiệu quả. Nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục thực hiện những giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng với Flu-v.
"Chúng ta sắp đạt bước ngoặt trong việc tạo ra vaccine cúm toàn cầu. Trước đây, việc vaccine cúm toàn cầu ra đời trong 5 năm chỉ giống như chuyện đùa. Nhưng tôi nghĩ lần này, nó thực sự có thể ra đời trong 5 năm tới", tiến sĩ Amesh Adalja, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm An ninh Sức khỏe Johns Hopkins, nhận định.
Các nhà khoa học đang phát triển loại vaccine cúm toàn cầu mới. (Ảnh: Daily Beast).
Vaccine cúm mùa giúp cứu sống nhiều người nhưng vẫn chưa tối ưu, Adalja cho biết. Thực tế, mỗi mùa cúm bắt đầu với một cuộc đua dự đoán các đặc tính của chủng virus cúm đang bùng phát và phát triển vaccine để ngăn nó lan rộng.
Quá trình này đòi hỏi nhiều thời gian và chi phí vì vaccine được sản xuất rất thận trọng từ trứng hoặc tế bào nuôi cấy. Thêm vào đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra dữ liệu về các chủng virus có nguy cơ bùng phát chỉ vài tháng trước mùa cúm. Điều này sẽ gây ra tình trạng thiếu vaccine. Kể cả khi nguồn cung dồi dào, virus cũng có thể gây bất ngờ bằng cách đột biến giữa mùa và khiến vaccine được sản xuất kỳ công trở nên vô hiệu.
"Quá trình sản xuất vaccine cúm mùa tốn nhiều công sức và làm hạn chế số liều vaccine sản xuất mỗi năm. Các nhân viên y tế có rất ít thời gian khi phải hoàn thiện vaccine trước mùa cúm. Họ chịu áp lực lớn vì phải đảm bảo bệnh nhân được tiêm vaccine trong thời gian 2-3 tháng", đồng tác giả Olga Pleguezuelos, nhà khoa học tại Seek, cho biết.
Flu-v là một giải pháp thay thế đầy hứa hẹn, có khả năng trở thành vaccine cúm toàn cầu. Flu-v nhắm vào những bộ phận phổ biến ở nhiều chủng virus cúm và không thể đột biến. "Flu-v có thể được sản xuất quanh năm. Quá trình sản xuất sử dụng các chất nhân tạo nên không bị hạn chế về quy mô, khác với loại vaccine cúm phát triển từ trứng hoặc tế bào nuôi cấy", Pleguezuelos nói.
Điều quan trọng là chứng minh Flu-v an toàn và hiệu quả. Ít nhất đã có 4 thử nghiệm cho thấy vaccine này an toàn. Nghiên cứu mới, được gọi là nghiên cứu Giai đoạn 2, là lần đầu tiên thử nghiệm trên người để chứng minh Flu-v giúp cơ thể tăng cường tạo ra kháng thể ngăn chặn virus lây lan. Tiếp theo, nhóm chuyên gia cần xác định khả năng ngăn ngừa cúm của vaccine với các thử nghiệm lâm sàng cuối cùng thuộc "Giai đoạn 3".
"Đây là một nghiên cứu thành công đăng trên một tạp chí uy tín. Tiếp theo cần đánh giá xem các kháng thể có hiệu quả không và vaccine hoạt động như thế nào với cúm trong thực tế", Adalja nhận xét. Pleguezuelos cùng đồng nghiệp đang lên kế hoạch thực hiện một nghiên cứu lớn để giải quyết vấn đề này, nhưng họ tương đối lạc quan về những kết quả hiện tại. "Loại vaccine mới có tiềm năng thay đổi cách các nước bảo vệ người dân khỏi cúm và giảm gánh nặng căn bệnh này mang lại cho kinh tế, y tế", Pleguezuelos chia sẻ.
Một số ứng cử viên cho vaccine cúm toàn cầu khác cũng đang được phát triển. Ví dụ, Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIAID) bắt đầu thử nghiệm trên người một loại vaccine cúm toàn cầu vào năm 2019. Công ty Israel BiondVax cũng đang tiến hành các thử nghiệm Giai đoạn 3 của vaccine cúm toàn cầu mang tên M-001. Nghiên cứu này đã có hơn 12.000 người tham gia, dự kiến sẽ thu được kết quả cuối năm nay.
- Việt Nam sản xuất thành công vắc xin cúm mùa và cúm A/H5N1
- Thử nghiệm thành công vắc-xin cúm phổ thông trên người