Vắcxin cúm A/H1N1 mới: Còn không ít băn khoăn
Có thể đây chỉ là vấn đề tâm lý cần phải được giải thích đầy đủ bằng dẫn chứng khoa học và thực tế.
Trong khi đó, một nghiên cứu khác của các nhà khoa học người Canada cũng tiết lộ các nhân viên y tế và một số người dân ở Canada có thể sẽ từ chối không tiêm vắcxin phòng chống cúm A/H1N1 cho họ và các con của họ, vì lo ngại loại vắcxin mới có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn.
Các nhà khoa học của cả hai nghiên cứu trên cho rằng tiêm vắcxin phòng chống cúm A/H1N1 là rất cần thiết, đây là một trong những biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất để ngăn chặn số ca bị nhiễm và tử vong do đại dịch cúm A/H1N1 đang có chiều hướng lan rộng trên toàn thế giới.
Các nhà nghiên cứu tại Hông Kông miêu tả phát hiện của họ như là một bất ngờ, được so với đại dịch SARS (Hội chứng suy giảm đường hô hấp cấp tính), đại dịch gây bùng phát trên diện rộng tại Hồng Kông, năm 2003. Đáng chú ý là những thông tin của các nhà khoa học tại Hồng Kông được đưa ra tại thời điểm Tổ chức Y tế Thế giới nâng cảnh báo về sự leo thang của cúm A/H1N1 lên mức 5.
Nhân viên y tế chưa sẵn sàng tiêm vắcxin…
Tiến sĩ Josette Chor thuộc trường Đại học Hồng Kông và các đồng nghiệp trong nhóm nghiên cứu cho rằng cần có những chiến dịch khuyến khích việc tiêm vắcxin cho các nhân viên y tế. Các nhà nghiên cứu đã tập hợp số liệu điều tra từ 2.255 nhân viên y tế tại 31 bệnh viện.
Cụ thể, họ điều tra về số người tình nguyện sẵn sàng tiêm phòng vắcxin cúm H5N1 khi WHO nâng cảnh báo đại dịch này lên mức đoạn 3 vào đầu năm 2009 và số người tình nguyện sẵn sàng tiêm phòng vắcxin cúm A/H1N1 khi WHO nâng cảnh báo đại dịch cúm A/H1N1 lên mức độ 5 vào tháng 5 vừa qua.
“Theo chúng tôi biết, đây là một nghiên cứu lớn nhất được tiến hành đánh giá sự tình nguyện của các nhân viên y tế đồng ý tiêm phòng vắcxin cúm A/H1N1, và nó đưa ra những thông tin quan trọng về những rào cản trong việc tiêm vắcxin” - các nhà nghiên cứu khẳng định.
Lo lắng về sự an toàn của vắcxin
Trong nghiên cứu của các tác giả người Canada, tiến sĩ Natalie Henrich thuộc Trường Đại học British Columbia và nghiên cứu sinh Bev Holmes thuộc Trường Đại học Simon Fraser, đã nghiên cứu 85 người chia ra 11 nhóm ở Vancouver trong năm 2006-2007. Những người tham gia bao gồm sinh viên đại học, người trưởng thành, bậc phụ huynh và các nhân viên y tế.
Kết quả cho thấy những người tham gia dường như tỏ ra miễn cưỡng tiêm một loại vắcxin mới khi đại dịch xảy ra. Nguyên nhân được các nhà nghiên cứu cho rằng “bởi vì sự thiếu nhận thức về khả năng bị nhiễm trong giai đoạn đầu của đại dịch cộng với sự nghi ngờ về tác dụng của loại vắcxin mới và khả năng bùng phát của dịch bệnh”.
Ngoài ra, “những người tham gia cũng rất e ngại rằng trong một đại dịch, một vắcxin được đưa ra thị trường mà không có kiểm tra hiệu quả và độ an toàn” - các nhà nghiên cứu cho biết thêm. Rất nhiều người cho rằng rửa tay bằng xà phòng và cách ly có thể phòng được bệnh.
Tuy nhiên, Henrich và Holmes khẳng định: kết quả nghiên cứu của họ chưa đủ để kết luận là việc tiêm vắcxin gây sức ép cho nhiều người. Các nhà khoa học tại Hồng Kông cũng cho biết họ cần có thêm những cuộc nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân chính xác khiến tỷ lệ người sẵn sàng tiêm vắcxin thấp như hiện tại.