Văn hóa Hạ Long có thể đã lan ra nước ngoài

Các nhà khoa học thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam vừa phát hiện dấu tích một di chỉ thuộc văn hóa Hạ Long tại đảo Cô Tô (Quảng Ninh) cho thấy chủ nhân văn hóa Hạ Long là những người rất giỏi đi biển.

Theo tiến sĩ Trình Năng Chung, Viện Khảo cổ học Việt Nam, trưởng đoàn khảo sát, đây là lần đầu tiên, dấu tích văn hoá Hạ Long được tìm thấy ở vị trí xa nhất về phía Đông trên vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc.


Di chỉ này phân bố trên doi cát lớn nằm về phía bắc thị trấn Cô Tô. Khảo sát trên bề mặt di chỉ, các nhà khảo cổ phát hiện được một số di vật mang đặc trưng văn hoá Hạ Long.

Đó là những hòn đá có lỗ vũm trên một hoặc hai mặt đá và bàn mài rãnh (dùng để mài những công cụ có kích thước nhất định, trong quá trình mài đã tạo nên những rãnh có kích thước rộng hẹp, nông sâu khác nhau) đặc trưng “dấu Hạ Long”.

Những di vật này hoàn toàn giống với những di vật cùng loại tìm thấy trong các di tích Hạ Long ven biển trước đây.

Mặc dù chưa tiến hành đào thám sát, nhưng các nhà khảo cổ nhận định đây là di chỉ cư trú của cư dân văn hoá Hạ Long, có niên đại cách ngày nay khoảng 4.000 năm.

Văn hóa Hạ Long cách ngày nay khoảng 4.500 - 3.500 năm, là nền văn hoá có tính năng động nhất mà giới khảo cổ học ghi nhận được vào giai đoạn hậu kỳ đá mới của Việt Nam.

Địa bàn cư trú của người Hạ Long cổ tương đối phong phú, bao gồm một số hang động, chân núi ven biển. Kỹ nghệ chế tác công cụ lao động của người Hạ Long cổ chủ yếu là cưa đá rồi chuốt bóng để tạo nên những công cụ độc đáo như rìu, bôn (một dụng cụ giống rìu đá) có vai, có nấc.


Thế nhưng, một trong những vấn đề khiến các nhà nghiên cứu băn khoăn là bằng cách nào cư dân Hạ Long cổ đã lan toả văn hoá của mình trên một khu vực rộng lớn như vậy?

Với việc phát hiện di tích Hạ Long trên đảo Cô Tô cho thấy chủ nhân văn hóa Hạ Long là những người rất giỏi đi biển. Chính nhờ những phương tiện như thuyền, mảng đã đưa họ vượt trùng khơi, cư trú trên những hòn đảo xa bờ.

“Có thể chủ nhân văn hoá Hạ Long là những cư dân đầu tiên ra khai phá đảo Cô Tô. Có nhiều khả năng cũng chính từ đây, với vị trí như trạm trung chuyển, ảnh hưởng của văn hoá Hạ Long được lan tỏa lên phía Bắc, tới tận miền duyên hải Quảng Đông, Trung Quốc và xuống đến bán đảo Mã Lai như các tài liệu khảo cổ đã chứng thực”, tiến sĩ Trình Năng Chung cho biết.

Tuy nhiên, di chỉ mới phát hiện này đang bị xâm hại bởi một con đường mới mở từ thị trấn Cô Tô đến xã Đồng Tiến. Các nhà khảo cổ học đang đẩy mạnh việc nghiên cứu địa điểm này.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất