Vạn Lý Trường Thành - Trung Quốc

Vạn Lý Trường Thành là công trình nhân tạo dài nhất thế giới ở Trung Quốc. Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc Unesco đã công nhận Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc là Di sản văn hóa thế giới năm 1987.

Vạn Lý Trường Thành - Di sản văn hóa thế giới tại Trung Quốc

Vạn Lý Trường Thành có nghĩa là Thành dài vạn lý, là bức tường thành nổi tiếng của Trung Quốc được xây dựng bằng đất và đá từ thế kỷ thứ 5 Trước Công Nguyên. Bức tường thành đầu tiên được xây dựng với mục đích bảo vệ người Trung hoa trước những cuộc tấn công của người Hung Nô và Mông Cổ, người Turk, và những bộ tộc du mục khác đến từ những vùng đất hiện thuộc Mông Cổ và Mãn Châu. Một số đoạn tường thành được xây dựng từ thế kỷ thứ 5, nhưng nổi tiếng nhất là đoạn tường thành được xây dựng từ năm 220 TCN đến năm 200 TCN dưới thời Tần Thủy Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa. Tuy nhiên trường thành hiện nay lại được xây dựng chủ yếu dưới thời nhà Minh, những đoạn tường cũ hiện chỉ còn sót lại ít di tích.

Theo một nghiên cứu sơ bộ công bố năm 2009, độ dài của trường thành khoảng 8.850km. Nhưng theo số liệu mới công bố thì Vạn Lý Trường Thành dài 21.196km. Chiều cao trung bình của trường thành là 7m, mặt trên của trường thành rộng trung bình 5-6m. Vạn Lý Trường Thành bắt đầu từ Sơn Hải Quan trên bờ Biển Bột Hải kéo dài đến Lop Nur thuộc Khu tự trị người Ngỗ Nhĩ tại Tân Cương.


Vạn Lý Trường Thành mùa thu đẹp mơ màng đầy cảm xúc


Vạn Lý Trường Thành phủ tuyết trắng xóa khi đông về.

Vạn Lý Trường Thành được xây dựng qua nhiều triều đại lịch sử Trung Quốc nhưng được chia thành năm khoảng thời gian chính:

Đoạn trường thành đầu tiên được xây dựng dưới thời cai trị của Tần Thủy Hoàng, vị Hoàng đế đầu tiên của nhà Tần với thời gian tồn tại ngắn ngủi. Bức tường này không được xây dựng bởi nỗ lực của một nhóm mà là việc ghép nối nhiều đoạn tường thành ở các vùng, từng được xây dựng ở thời Chiến quốc lại với nhau. Thời gian đó người ta nối các bức tường lại với nhau bằng đất và đá. Bức trường thành này nằm về phía bắc và cách một đoạn xa so với bức trường thành hiện nay. Hiện tại chỉ còn một đoạn của bức trường thành này còn tồn tại. Để nối các bức trường thành này lại với nhau, ước tính có đến 300 nghìn quân lính và không biết bao nhiêu tội nhân, quan lại phạm lỗi, nho sĩ không chịu tuân lệnh đốt sách…đã phải lao động khổ sai trong miền núi rừng trùng điệp, mùa đông thì lạnh buốt, nước đóng băng, mùa hè thì không khí nóng như thiêu…Có nhiều giả thiết cho rằng có đến một triệu công nhân đã chết khi hoàn thành công trình này.

Bức trường thành tiếp theo được xây dựng dưới thời nhà Hán, nhà Tùy với cùng kiểu thiết kế như thời nhà Tần. Cũng được xây dựng từ đất đá và các tháp canh được dựng lên cách nhau khoảng vài dặm Các đoạn tường được xây dựng trong giai đoạn này đến nay cũng đã hư hại nhiều bởi thời gian và sự ăn mòn của gió, nước mưa.

Vạn Lý Trường Thành ngày nay được xây dựng dưới thời nhà Minh, bắt đầu khoảng năm 1368 và kết thúc năm 1640. Bức trường thành này có 25.000 tháp canh. Cũng giống như ý tưởng đầu tiên khi xây dựng tường thành thời Tần Thủy Hoàng, bức trường thành này cũng được xây dựng với mục đích bảo vệ người dân trước sự xâm lược của người Mông Cổ, người ngoại bang… Vạn Lý Trường Thành dưới thời nhà Minh được tính bắt đầu từ Sơn Hải Quan đến gần Vĩnh Bột Hải và kết thúc tại tỉnh Cam Túc giáp với biên giới Sa mạc Gobi. Bức trường thành kéo dài qua chín tỉnh và 100 huyện, dài tời hơn 500km.

Về mặt quân sự trường thành được dựng nên để phân chia ranh giới quốc gia và bảo vệ Trung quốc trước sự xâm lược của các quốc gia khác nhưng thực chất chiến lược quân sự của Trung quốc lại không diễn ra xung quanh việc giữ vững bức tường thành.

Năm 1644, người Mãn Châu vượt qua bức tường thành bằng cách mua chuộc một vị tướng quan trong là Ngô Tam Quế. Có truyền thuyết kể rằng nghĩa quân Mãn Châu đã mất ba ngày mới vượt qua hết các đèo để vào thành. Sau khi bị người Mãn Châu chinh phục, trường thành đã không còn giá trị chiến lược nữa, đa phần bởi vì người Mãn Châu đã mở rộng quyền kiểm soát chính trị của họ ra xa hơn về phía bắc, nghĩa là lãnh thổ đã được mở rộng hơn cả triều đại Trung Quốc trước đó.

Hiện nay, rất nhiều đoạn trên tổng thể bức trường thành nổi tiếng này đã bị hư hại. Hầu hết chỉ có những đoạn trường thành nằm tại các tỉnh phát triển du lịch mới được đầu tư trùng tu, số còn lại thì bị bỏ mặc. Thậm chí có nhiều đoạn trường thành còn bị chính người dân địa phương phá để lấy đá làm nhà. Bên cạnh đó sự lan rộng của sa mạc Gobi cũng khiến các chân tường đang bị lún dần. Các nhà khoa học cho biết hiện chỉ có khoảng 20% bức trường thành còn ở tình trạng tốt.

  • Cung điện Potola Trung Quốc
  • Khu di tích trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội
  • Những cửa ải hoành tráng nhất của Vạn Lý Trường Thành

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất