Vàng: những sự việc kỳ thú ít ai biết

Có thể bạn nắm rất rõ giá vàng lên xuống hàng ngày, nhưng có một số câu chuyện thú vị về loại kim loại đặc biệt này có thể bạn chưa biết.

Khám phá những điều lý thú về vàng khiến bạn kinh ngạc

Thị trường vàng đã từng rất “bình yên”

Trong vòng 10 năm trở lại đây, giá vàng trên thế giới biến động không ngừng và tăng đến chóng mặt . Năm 2000 giá của 1 ounce vàng (tương đương 28,35g) là 279 usd, thì đến giữa năm 2010 đã đạt mốc 1.300 usd. Tuy nhiên, trong quá khứ, giá trị của kim loại đầy quyền lực này rất ổn định trong một thời gian dài mà không có biến động gì lớn. Ví dụ, giai đoạn từ năm 1833 – 1918, giá của 1 ounce vàng chưa bao giờ tăng quá 6 cent so với giá gốc là 18,93 usd/ounce; và trong thời gian 1933 – 1967 giá của 1 ounce vàng chỉ tăng có 26 cent, mặc cho hàng loạt các đợt khủng hoảng lạm phát và suy thoái kinh tế.

Là kim loại có tính mềm dẻo cao

Vàng là kim loại mềm và dễ kéo dãn đến nỗi có thể kéo một sợi dây dài đến 80km từ 1 ounce vàng, hoặc nếu dát mỏng thì nó có thể bao phủ 1 diện tích đến hơn 30m2 .

Tuy mềm nhưng rất nặng

Mặc dù là một kim loại mềm, nhưng nó cực kỳ đậm đặc và nặng; 1 fut khối (tương đương 0,3048 mét khối) vàng nặng đến nửa tấn.

Ẩn mình trong đất

Phần lớn lượng vàng được tìm thấy ngày nay không nằm trong các mỏ vàng được đào sâu trong lòng đất, mà chúng được thu gom từ việc sàng đãi từ một khối lượng đất khổng lồ bị rửa trôi từ các ngọn núi. Ví dụ, ở Nam Phi, để cung cấp một lượng vàng khoảng 500 tấn ra thế giới mỗi năm, người ta phải xử lý đến 70 triệu tấn đất – một khối lượng tương đương với thể tích của kim tự tháp Cheops.

Phần lớn vàng của thế giới được dùng làm đồ trang sức

Theo Ủy ban Vàng Thế giới, khoảng 70% sản lượng vàng trên thế giới được sử dụng để làm đồ trang sức. Chỉ 13% được dùng để đúc tiền, hoặc cất trữ trong các ngân hàng trung ương của các quốc gia, hoặc lưu thông trên thị trường thông qua các hoạt động giao dịch. Phần còn lại được dùng vào nhiều mục đích khác như trong các ngành công nghiệp, và trong lĩnh vực nha khoa.

Ấn Độ là quốc gia tiêu thụ nhiều vàng nhất, chiếm khoảng ¼ nguồn cung cấp vàng trên thế giới. Theo một bài viết trên tạp chí Diamond World, quốc gia ở vùng Nam Á này nhập khẩu khoảng 800 tấn vàng mỗi năm, và khoảng 600 tấn trong số này được dùng để làm đồ trang sức.

Đơn vị đo lường là tên một loại quả

Cara (carat) – đơn vị dùng để đo mức độ tinh khiết của vàng, ban đầu là một đơn vị dùng để đo trọng lượng. Carat là tên của một loại quả cây thuộc họ đậu; một quả đậu này cân nặng khoảng 1/5 gam.

Được sử dụng để sản xuất linh kiện điện tử

Không chỉ có các nhà kim hoàn và các ông chủ ngân hàng mới đánh giá cao giá trị của vàng, mà các nhà sản xuất linh kiện điện tử cũng coi trọng kim loại đặc biệt này bởi tính dẫn nhiệt và dẫn điện cao; vì vậy nó là một vật liệu lý tưởng để chế tạo dây dẫn và công tắc điện. Nó còn là loại vật liệu có độ bền cao và có thể chịu đựng sự ăn mòn tự nhiên, hơn nữa lại rất mềm dẻo và dễ dát mỏng, cho nên các loại hợp kim vàng có thể được dát cực mỏng mà không bị thủng.

Có thể làm suy vong một đất nước

Suốt giai đoạn 1492 – 1600, một lượng vàng và bạc khổng lồ đã bị người Tây Ban Nha thâu tóm từ châu Mỹ và đưa trở về nước của họ, làm tăng gấp 5 lần nguồn cấp vàng của cả châu Âu lúc bấy giờ. Tuy nhiên, thay vì làm hưng thịnh đế quốc này, số kim loại quý này đã dần làm suy yếu nó bởi vì người Tây Ban Nha đã dùng số vàng bạc này để nhập khẩu hàng tiêu dùng thay vì đầu tư vào các cơ sở sản xuất trong nước để gia tăng lợi nhuận. Việc này đã đẩy giá cả thị trường tăng cao, làm vàng mất giá, đế quốc này càng ngày càng mắc những khoản nợ nước ngoài khổng lồ và mất dần vị thế cường quốc của mình.

Có nhiều màu

Vàng nguyên chất có màu vàng sáng, nhưng ở dạng hợp kim khi kết hợp với các kim loại khác như bạc, đồng, niken, bạch kim, paladi, hay sắt, nó có thể có rất nhiều màu sắc khác nhau, từ trắng bạc đến xanh lục, hay đỏ cam.

  • Sự thật: Điều trị ung thư bằng vàng!
  • Những điều thú vị ít người biết về vàng

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất