Vật liệu bí mật để xây nhà thờ Đức Bà thời Trung Cổ

Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre-Dame de Paris) là một trong những nhà thờ Gothic nổi tiếng nhất trên thế giới, được xây dựng từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 14 ở Paris, Pháp.

Trong quá trình xây dựng, các kiến trúc sư đã sử dụng nhiều kỹ thuật mới để tạo ra một tòa nhà với kiến trúc táo bạo và độc đáo. Một trong những kỹ thuật quan trọng nhất là việc sử dụng sắt để liên kết các khối đá trong quá trình xây dựng ban đầu.


Nhà thờ Đức Bà Paris trong thời gian phục dựng sau trận hỏa hoạn. (Ảnh: Maxime L'Héritier)

Một trận hỏa hoạn vào năm 2019 phá hủy nhà thờ Đức Bà, nhưng cũng cung cấp cơ hội chưa từng có để giới nghiên cứu tìm hiểu kiến trúc công trình. Nhà nghiên cứu Maxime L'Héritier ở Đại học Paris 8, và cộng sự công bố phát hiện mới trên tạp chí PLOS ONE hôm 15/3/2023. Ở thời điểm xây dựng vào giữa thế kỷ 12, nhà thờ Đức Bà là tòa nhà cao nhất từng được xây với độ cao 32 m. Nghiên cứu trước đây chỉ ra kỷ lục này đạt được nhờ kết hợp một số thành tựu kiến trúc. Tuy nhiên, dù phương pháp gia cố bằng sắt rất phổ biến ở các nhà thờ gần đây và trong công tác tôn tạo tòa nhà cũ, giới chuyên gia vẫn chưa rõ vai trò của sắt trong quá trình thi công ban đầu ở nhà thờ Đức Bà.

Trận hỏa hoạn năm 2019 và quá trình phục dựng sau đó cho phép L'Héritier và cộng sự tiếp cận phần bị giấu kín trước đây của nhà thờ, hé lộ manh mối về việc sử dụng sắt trong xây dựng. Nhóm nghiên cứu thu thập mẫu vật vật liệu từ 12 đinh kẹp bằng sắt dùng để gắn liền các khối đá ở nhiều vị trí khác nhau của tòa nhà, bao gồm lễ đài, gian giữa và tường. Họ áp dụng phân tích niên đại bằng đồng vị carbon, kính hiển vi, hóa chất và kiến trúc nhằm hiểu rõ hơn về những chiếc đinh kẹp.

Kết quả phân tích chỉ ra đinh kẹp sắt được dùng ở giai đoạn sớm nhất trong quá trình xây dựng nhà thờ Đức Bà vào thập niên 1160, biến nó thành tòa nhà đầu tiên sử dụng đinh kẹp sắt trong cấu trúc. Kết hợp với hiểu biết khảo cổ và lịch sử khác về thời kỳ đó, phân tích cung cấp thông tin giúp tăng cường hiểu biết về hoạt động buôn bán, trao đổi và rèn sắt trong thế kỷ 12 và 13 ở Paris. Ví dụ, nhiều đinh kẹp dường như được rèn bằng cách hàn hai mẩu sắt lấy từ nguồn cung cấp khác nhau.

Theo các nhà nghiên cứu, cần phân tích kỹ hơn về mẫu vật ở nhà thờ Đức Bà và cơ sở dữ liệu về lịch sử những nhà sản xuất sắt trong vùng để xác nhận và mở rộng phát hiện liên quan tới thị trường sắt ở Paris thời Trung Cổ.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất