Vật liệu nano và cánh hoa hồng
Các nhà khoa học đã phát minh ra một loại vật liệu đặc biệt để có thể phủ lên các bề mặt, giữ cho chúng khô hoặc ướt, giúp cho bề mặt đó không bao giờ cần phải lau rửa.
Phát kiến về vật liệu này được công bố trên tờ Chemistry of Materials với các ứng dụng rất hứa hẹn như giảm thiểu độ ngưng đọng hơi nước trong cabin máy bay, giữ cho kính không bị ướt và mờ, làm mát các tòa nhà thông qua bốc hơi nước hoặc thậm chí sử dụng để tạo môi trường thí nghiệm tốt tại các vùng hẻo lánh mà không cần phòng thí nghiệm tại chỗ.
Cấu trúc nano có hình dạng như trái mâm xôi. (Ảnh: abc.net.au)
Người đứng đầu dự án là GS Andrew Telford thuộc Trường ĐH Sydney (Úc). Ông cho biết: “Chúng tôi gọi loại vật liệu này là hạt nano mâm xôi bởi cấu trúc của nó là các hạt nhân nano hình cầu kết nối với nhau với hình dáng của một trái mâm xôi. Các tấm phim nano này có thể được mô tả như một loại băng keo đặc biệt dành cho các giọt nước, giữ cho chúng không lăn trên bề mặt, dù khi bị lật ngược”. GS Telford và các đồng nghiệp đã lấy cảm hứng từ cánh hoa hồng, vốn có khả năng giữ các giọt nước thành các hạt tròn, không tan.
Cấu trúc vật liệu nano này có thể có nhiều tính chất đa dạng khi được cấu tạo bởi các loại phân tử khác nhau. Trong thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã sử dụng polystyrene để cho ra một bề mặt không thấm nước. Còn nếu vật liệu này được tạo nên từ cấu trúc nano các hạt fluorinated polymers (polymer flo) sẽ cho ra bề mặt có khả năng hút và giữ nước. Bằng cách này, họ có thể tạo ra các bề mặt luôn luôn khô ráo, không cần phải lau chùi, chống vi khuẩn và nấm mốc. Vật liệu này có thể ứng dụng trong các thí nghiệm y tế, sinh học.
Loại vật liệu này không quá phức tạp để chế tạo số lượng lớn và có thể tạo thành dạng sơn để có thể dễ dàng phủ lên các bề mặt.