Vệ tinh 'Made in Vietnam' phát tín hiệu đầu tiên về trái đất

Tính đến 10h00 (giờ Nhật Bản) ngày 19/1, một ngày sau khi được đưa vào vũ trụ, vệ tinh MicroDragon đã có 3 lần liên lạc với trạm mặt đất tại ISAS/JAXA và trung tâm điều khiển tại Đại học Tokyo.


Vệ tinh 'Made in Việt Nam' tách khỏi tên lửa vào quỹ đạo.

Ở những tín hiệu vệ tinh gửi về đầu tiên, các thiết bị trên vệ tinh hoạt động bình thường theo thiết kế. Theo kế hoạch, vệ tinh sẽ đi vào trạng thái hoạt động ổn định trong khoảng từ một đến hai tuần tới, sớm hơn dự kiến.

Trước đó, đúng 7:50 phút ngày 18/1, tên lửa đẩy Epsilon của Nhật Bản đã đưa Micro Dragon cùng 6 vệ tinh khác của Nhật Bản lên vũ trụ từ Trung tâm vũ trụ Uchinoura, Nhật Bản. Khoảng 8h55 phút, khoảng 1h5 phút sau khi phóng lên vũ trụ, Micro Dragon đã tách khỏi tên lửa đẩy trên bầu trời Cuba.


Các thành viên dự án trực tại trạm mặt đất ở Đại học Tokyo sau lần thu tín hiệu đầu tiên vào lúc 20h30 phút (giờ Nhật Bản) ngày 18/1/2019.

Theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, MicroDragon được thiết kế hoạt động trên không gian tối thiểu một năm nhưng có thể hoạt động ổn định trong 2 năm. Hiện nay, vệ tinh đang được phối hợp điều khiển bằng hệ thống trạm mặt đất của Đại học Tokyo, ISAS/JAXA và Đại học Tokyo Denki, tại Nhật Bản. Việc vận hành sẽ do đội ngũ kỹ sư Việt Nam thực hiện.

Vệ tinh Micro Dragon do đội ngũ 36 thạc sỹ Việt Nam theo học chuyên ngành hàng không vũ trụ tại 5 trường đại học hàng đầu ở Nhật Bản thiết kế từ năm 2013, hoàn thành lắp ráp chế tạo, thử nghiệm vào tháng 9/2017. Việc thiết kế, chế tạo Micro Dragon ban đầu phục vụ mục đích đào tạo. Tuy nhiên, khi hoàn thành, Micro Dragon được JAXA phóng miễn phí vào vũ trụ, sau khi vượt qua được quy trình kiểm duyệt nghiêm ngặt.

Micro Dragon có khối lượng khoảng 50kg, kích thước 50 x 50 x 50 cm. Sau khi phóng lên vũ trụ, Micro Dragon có nhiệm vụ quan sát vùng biển ven bờ nhằm đánh giá chất lượng nước, định vị nguồn thủy sản, theo dõi sự thay đổi các hiện tượng xảy ra ở vùng biển ven bờ để phục vụ cho ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam. Phát hiện độ bao phủ của mây, tính chất của sol khí để phục vụ cho việc hiệu chỉnh khí quyển. Thu các tín hiệu cảm biến trên mặt đất sau đó chuyển các dữ liệu này một cách nhanh chóng tới các địa điểm cách xa nhau trên Trái Đất.Thử nghiệm công nghệ vật liệu mới (Atomic oxygen, Antimony Tin Oxide Coating Solar cell).

Theo Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, ảnh vệ tinh Micro Dragon sẽ là cơ sở để trao đổi dữ liệu vệ tinh với cộng đồng micro trên thế giới nhằm tăng cường khả năng đáp ứng nhanh trong các hoạt động như phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu. Ảnh của Micro Dragon cũng có thể dùng phối hợp dữ liệu với các dữ liệu viễn thám sẵn có để tìm kiếm các ứng dụng mới hay tăng cường chất lượng của ứng dụng cũ.

Micro Dragon là bước tiếp theo trong quá trình làm từng bước nắm bắt và làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo vệ tinh của Việt Nam. Trước đó, các kỹ sư của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã chế tạo thành công vệ tinh siêu nhỏ Pico Dragon (có kích thước 10 x 10 x 11,35 cm, khối lượng 1 kg). Vệ tinh này được phóng lên quỹ đạo vào tháng 11/2013 và hoạt động thành công trên vũ trụ. Sau Micro Dragon, vệ tinh Nano Dragon đang được nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam do đội ngũ kỹ sư và chuyên gia của VNSC thực hiện. Nano Dragon có nhiệm vụ thử nghiệm công nghệ về điều khiển hướng của vệ tinh trên quỹ đạo và thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất