Vén màn nguyên nhân máy bay đáp xuống sông

Các nhà khoa học Mỹ vừa xác định chiếc lông trong động cơ máy bay hãng US Airways hạ cánh xuống sông Hudson hôm 15/1 là của loài ngỗng di trú. Phát hiện này có ý nghĩa quan trọng phòng tránh tai nạn tương tự trong tương lai. 


Chiếc Airbus A320 của hãng US Airways cất cánh từ sân bay LaGuardia đã đâm phải đàn ngỗng trời khiến cả hai động cơ bị hỏng khi máy bay vừa rời sân bay khoảng 8 km. Cơ trưởng quyết định cho máy bay hạ cánh khẩn cấp xuống mặt sông Hudson và cú đáp thần kỳ này đã cứu sống toàn bộ 155 người trên khoang.

Các nhà điều tra Cơ quan an toàn vận tải quốc gia Mỹ tìm thấy chiếc lông sót lại trong động cơ máy bay. Họ gửi chúng tới Viện Smithsonian ở Washington để phân tích. Tại đây, các chuyên gia Phòng thí nghiệm nhận dạng lông vũ sử dụng kỹ thuật phân tử gien và mẫu lông từ bộ sưu tập của Bảo tàng lịch sử tự nhiên quốc gia Mỹ để xác định rằng lông có trong động cơ máy bay là của loài ngỗng trời Canada (tên khoa học Branta canadensis).

Ngỗng trời Canada liên quan đến tai nạn là một trong những loài chim lớn nhất vùng Bắc Mỹ và mỗi con nặng trung bình trên 3 kg. Bước tiếp theo các nhà khoa học tìm hiểu xem những con ngỗng liên quan đến tai nạn là loại di trú hay địa phương. "Xác định chúng là loài di trú hay không rất quan trọng đối với nghiên cứu của chúng tôi và sẽ giúp đưa ra các biện pháp để giảm các vụ va chạm giữa máy bay với chim trời trong tương lai", nhà khoa học Peter Marra thuộc Trung tâm chim di trú của Viện Smithsonian cho biết.

Peter Marra cũng là tác giả chính bản báo cáo của nhóm chuyên gia tham gia điều tra vụ máy bay hạ cánh khẩn cấp và công bố phát hiện này trên tạp chí khoa học Frontiers in Ecology and the Environment, số ra hôm 15/6. Ông cho biết thêm: "Những con chim địa phương sống gần sân bay có thể được quản lý bằng cách giảm số lượng, thay đổi môi trường sống hay xua đuổi chúng. Nhưng với các loài chim di trú thì yêu cầu phải có các kỹ thuật đối phó phức tạp hơn để giám sát các hoạt động của chúng".

Để làm rõ lông trong động cơ máy bay là của chim di trú hay chim địa phương, các nhà khoa học Viện Smithsonian sử dụng công nghệ phân tích ở mức độ phân tử tại phòng thí nghiệm. Phương pháp này có thể cho ra kết quả là những dấu hiệu về địa lý như loại thức ăn loài chim sử dụng thời điểm nó mọc lông mới. Sau đó họ dùng máy quang phổ kế để so sánh chiếc lông trong máy bay với mẫu lông của ngỗng Canada di trú và ngỗng thường sống gần sân bay LaGuardia. Các phân tích chi tiết cho kết quả: lông trong động cơ máy bay giống loài ngỗng Canada di trú.

Giám đốc Phòng thí nghiệm nhận dạng lông vũ của Viện Smithsonian là Carla Dove nhận xét: "Phát hiện quan trọng này không chỉ xác định được loài chim nào liên quan đến tai nạn mà còn giúp hiểu rõ vai trò của chim di trú. Thêm thông tin chúng tôi tìm được trong những vụ như thế này là có thể thêm khả năng giảm nguy cơ chim đâm phải máy bay trong tương lai".

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất