Vì sao bình xăng 50 lít có thể đổ tới 56 lít?
Cùng đi tìm lời giải vì sao dung tích bình xăng được công bố là 50 lít nhưng bạn lại có thể đổ quá đến gần 10 lít xăng.
Cùng tìm hiểu dung tích thực sự của bình xăng xe hơi
Mới đây, một đoạn clip ghi lại cảnh tài xế ô tô bạt tai một nhân viên cây xăng khi anh cho rằng cây xăng có dấu hiệu gian lận khi dung tích bình xăng của anh là 50 lít nhưng lại được đổ đầy đến 56 lít.
(Ảnh cắt từ clip).
Video đã ngay lập tức thu hút sự chú ý đặc biệt của cộng đồng mạng và cũng khiến nhiều người tự đặt ra câu hỏi. Phải chăng cây xăng đã gian lận xăng thật hay bình xăng ô tô này có thể chứa lượng xăng 56 lít - nhiều hơn so với con số nhà sản xuất đưa ra - 50 lít? Hãy cùng đi tìm câu trả lời dưới đây.
Chúng ta biết rằng, dù là ô tô hay xe máy thì bình xăng là một trong những bộ phận quan trọng đồng thời nguy hiểm nhất trên mỗi chiếc xe.
Do vậy, để đảm bảo an toàn, hoạt động tốt, các bình xăng được thiết kế dày dặn, kín khít đồng thời có hệ thống ống dẫn từ vòi tới động cơ để đảm bảo hiệu suất cung cấp xăng cho quá trình đốt.
Cùng với đó, do đảm bảo tính an toàn, giúp xe vận hành ổn định, không bị trào xăng ra ngoài gây cháy nổ nên dung tích của bình xăng trên thực tế thường nhiều hơn so với con số dung tích bình xăng nhà sản xuất đưa ra. Con số chênh lệch này có thể dao động từ 2 - 10 lít.
Bên cạnh đó, trong mỗi bình xăng đều được quy định một mực nhất định và người đổ xăng không nên đổ qua vạch này. Lý do là bởi những chất lỏng như xăng, dầu giãn nở vì nhiệt mạnh.
Nếu bạn đổ đầy bình hoặc tràn xăng, dầu - không để thừa một khoảng không gian cho khí giãn nở sẽ gây nguy hiểm cho cả người sử dụng và phương tiện.
Tuy nhiên, nhân viên bán hàng khi được yêu cầu đổ đầy bình thường cố gắng bơm xăng đầy cho khách, do đó vô tình khiến mực xăng trong xe không đạt mức an toàn và vượt quá con số dung tích xăng mà chủ xe nhận được từ nhà sản xuất. Từ đây dẫn tới những tranh cãi giữa khách hàng và nhân viên cây xăng.
Ngoài ra, ở một số hãng xe cũ, trong thiết kế bình xăng xe hơi thường có một phần bình xăng phụ để dự trữ. Vì một lý do nào đó, ta đã sử dụng hết mức xăng dự trữ trong bình nên khi đổ xăng, xăng sẽ bơm vào cả phần dự trữ đó - khiến lượng xăng mua sẽ tăng cao hơn.
Chất lượng xăng khi bơm cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến thời điểm bạn bơm xăng. Nhiều người thường khuyên bạn nên đổ xăng vào buổi sáng, tránh buổi trưa và ban đêm do buổi trưa là thời điểm nhiệt độ tăng cao - khiến độ giãn nở của xăng tăng.
Buổi tối là thời điểm các trạm nạp xăng từ xe bồn - lượng xăng mới đổ vào do va chạm - sẽ tăng lượng không khí, từ đây, bộ đếm ở cây xăng tăng lên vì chứa cả khí.
Bởi vậy, sẽ không quá khó hiểu khi dung tích bình xăng của người đàn ông đi đổ xăng là 50 lít nhưng lại đổ đầy được đến 56 lít.