Vì sao chỉ vài ngôi nhà trụ vững sau bão có sức gió 225km/h?
Bão Helena và Milton tràn qua với sức gió lên tới 225km/h san phẳng nhiều dãy nhà, chỉ trừ một số còn nguyên vẹn do không có khe hở để tạo áp suất.
Bão Helene và Milton càn quét khắp khu vực đông nam nước Mỹ nhưng một số ngôi nhà vẫn đứng vững giữa khu phố đổ nát. Ảnh vệ tinh ghi lại những khu vực cả dãy nhà bị san bằng sau hai cơn bão mạnh với sức gió lên tới 225km/h ngoại trừ vài ngôi nhà, theo Business Insider.
Mảnh vỡ bao quanh những ngôi còn nguyên vẹn sau khi bão Helena tràn vào bãi biển Horseshoe, Florida. (Ảnh: AFP).
"Đó không phải là may mắn", Leslie Chapman-Henderson, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Federal Alliance for Safe Homes (FLASH), cho biết. FLASH là tổ chức phi lợi nhuận chuyên khuyến khích xây nhà chịu thiên tai và phát hướng dẫn chuẩn bị đối phó bão. "Tôi nghĩ khi bạn xem xét một ngôi nhà tồn tại sau cơn bão, 9 trong 10 trường hợp sẽ do phần mái được gắn chắc chắn và cửa garage còn nguyên. Đây là hai manh mối lớn nhất trong trường hợp gió to".
Cửa garage có thể tạo nên sự khác biệt khổng lồ. Bão có thể làm sập ngôi nhà khi gió lọt qua cửa sổ hoặc cửa ra vào. Khi những khe hở đó có gió lọt vào, áp suất bên trong nhà tăng lên, lấp đầy căn nhà giống như bóng bay. "Bạn không chỉ có gió thổi qua mái nhà có thể gây tốc mái, mà còn đối mặt áp suất bên trong có thể đẩy văng phần mái". Michael O'Reilly, kỹ sư kiêm giảng viên xây dựng ở Đại học Colorado, cho biết.
Có lẽ khoảng hở lớn và yếu nhất trong nhà là cửa garage. Theo Chapman - Henderson, đó là nơi quan trọng nhất trong nhà cần đóng ván gỗ trước bão, và thứ đầu tiên cần cân nhắc nâng cấp. FLASH gợi ý 3 lựa chọn tùy theo kinh phí khác nhau:
- Biện pháp rẻ nhất là đóng ván gỗ chắn trước cửa garage trước khi bão ập tới.
- Lựa chọn tiếp theo là đầu tư lắp đặt bộ kit chống bão ở cửa garage bao gồm thanh giằng và trụ chống giúp gia cố cửa vĩnh viễn.
- Cuối cùng, chủ nhà có thể chi tiền thay cửa garage mới có khả năng chịu sức gió cao.
Trong khi cửa garage là khoảng hở lớn nhất trong nhà, cửa sổ có số lượng nhiều nhất. Theo O'Reilly, nhiều tòa nhà tồn tại đầu cơn bão cho tới khi một cửa sổ lớn hoặc cửa ra vào bị thổi tung. Điều đó làm tăng áp suất dẫn tới nguy cơ tốc mái. Đây là lý do Cơ quan quản lý khẩn cấp liên bang khuyến cáo sử dụng cửa chớp hoặc kính chịu tác động mạnh để gia cố cửa sổ.
Ngoài khe hở như cửa sổ và cửa ra vào, các chuyên gia cũng nhấn mạnh cần chú ý tới sự gắn kết giữa tường và mái nhà. Phần mái được gắn chắc chắn vào tường trong quá trình xây nhà, sử dụng dây kim loại. O'Reilly cho biết những ngôi nhà hiện đại tại các nơi như Florida có sự liên kết tốt giữa tường và mái nhà do quy định xây dựng. Nhà xây trước khoảng cuối thế kỷ 19 có thể liên kết sơ sài hơn và dễ bị tốc mái trong bão lớn. Theo FLASH, có thể gia cố liên kết bằng cách đổ keo dán sàn vào nơi tiếp xúc giữa tấm lợp mái và xà nhà.
Nhiệt độ toàn cầu gia tăng do khí thải mà con người xả ra khiến bão trở nên dữ dội hơn, một phần do bão nhiệt đới hấp thụ năng lượng từ nước ấm. Khi nhiệt độ đại dương tăng lên, bão có thể dễ dàng tăng cường độ. Ngày càng nhiều cơn bão mạnh lên nhanh chóng như bão Milton, có nghĩa sức gió tăng đáng kể chỉ trong thời gian ngắn. Đồng thời, nhiệt độ tăng lên trong khí quyển cho phép không khí chứa nhiều hơi ẩm hơn. Do đó, bão có thể gây mưa nhiều hơn dọc theo lộ trình.
- Bí kíp để chủ động ứng phó với cơn bão lớn
- 5 thứ cần chuẩn bị khi bão lũ đến
- Kiến thức quan trọng để tránh nguy hiểm và tự cứu mình trong lũ lụt