Vì sao chó bỗng trở thành mối nguy hại mới tại Ấn Độ?

Chó đã là người bạn thân thiết với loài người trong suốt 14.000 năm. Tuy nhiên, giờ đây người dân tại một số vùng ở Ấn Độ lại khiếp sợ loài vật này.

Anupama Kalra, người điều hành một trung tâm cứu hộ chó ở Gurgaon (Ấn Độ) chia sẻ: “Tôi đau lòng khi thấy mọi người xung quanh ngày càng đối xử vô nhân đạo với loài chó. Giới siêu giàu sống trong những tòa nhà chọc trời đã trở nên ích kỷ, chỉ biết nghĩ cho riêng họ”. Công việc của Kalra chính là tìm kiếm những người có mong muốn nuôi chó để nhận nuôi những chú chó bị bỏ rơi ở trung tâm cứu hộ. Cô đã chứng kiến làn sóng thù ghét loài chó ở Ấn Độ, sau những video lan truyền trên mạng xã hội ghi lại cảnh chó tấn công người.

Những vụ việc chó tấn công người ở thang máy, trên đường phố hay ở trong nhà được ghi nhận ở nhiều nơi như Noida, Mumbai và Kerala. Hồi tháng 4/2023, vụ việc người đàn ông ở Aligarh bị đàn chó tấn công đến chết nhận được rất nhiều sự chú ý của người dân cả nước.


Những hình ảnh chó tấn công người được lan truyền rộng rãi.

Được biết Ấn Độ có hơn 15 triệu cá thể chó hoang. Trong khoảng thời gian 2019 - 2022, số người bị chó cắn lên tới gần 15 triệu người. Trong 6 tháng đầu năm 2022, có hơn 140 nghìn trường hợp bị chó cắn.

Để đối phó với tình trạng trên, nhiều địa phương đã tổ chức những đội xe bắt chó chuyên nghiệp trên đường phố, thậm chí có nơi còn lên kế hoạch thuê người giết chó tại địa bàn. Mặc dù hiến pháp Ấn Độ ủng hộ bảo vệ động vật, nhưng đất nước này được cho là đang sử dụng biện pháp bạo lực để xử lý nạn chó hoang tràn lan.


Ấn Độ có hơn 15 triệu cá thể chó hoang.

Lý do chó trở nên hung hãn

Kalra cho biết: Hiệp hội Phúc lợi Thường trú (RWA) cản trở kế hoạch giải cứu và cung cấp đồ ăn cho chó của chúng tôi. Thực tế, họ thà lãng phí thức ăn thừa còn hơn là cho chó ăn”. Cô suy đoán rằng, chính cơn đói vì không có thức ăn đã khiến loài chó trở nên hung hãn và tấn công người.  

Cô nói thêm: “Các thành viên của RWA luôn đập phá những chiếc thùng xin đồ ăn thừa cho chó. Còn có trường hợp người dân dùng gậy gộc để đánh đuổi chó, hoặc dùng xe ô tô tông chúng”. Ở những địa phương trên, thức ăn thừa sẽ bị chất thành đống ở bãi chôn lấp rác thải, trở thành một vấn đề nghiêm trọng đối với các nhà chức trách Ấn Độ.

Kalra đưa ra giải pháp: “Nếu các tổ chức lớn vào cuộc, họ có thể sẽ chăm sóc được rất nhiều chó ở địa phương bằng cách cho chúng ăn, tiêm phòng hoặc chữa bệnh cho chúng. Khi không còn bị bỏ đói, chó sẽ thân thiện hơn”.


 Chó có tập tính bắt chước hành vi loài người.

Theo Asha Arun, một chuyên gia nghiên cứu tập tính loài chó, một lý do khác liên quan đến sự hung hăng của loài vật này, đó là sự bắt chước. Theo đó, chó có tập tính bắt chước hành vi loài người, nếu thấy mọi người xung quanh hung hăng, chúng cũng sẽ hung hăng theo. Hơn nữa, bản năng bảo vệ lãnh thổ của chó rất cao, nếu có người lạ đến gần, chúng lập tức sẽ giương cao cảnh giác. Để bảo vệ bản thân, cô khuyên mọi người nên bình tĩnh và có thể mang theo một chút đồ ăn cho chó để “xoa dịu” và đánh lạc hướng chúng.

Về trường hợp chó tấn công chủ và người trong thang máy, Arun chỉ trích những người nuôi chó vì không biết cách huấn luyện chúng. Những hành động vô tình của chủ nhân như ghì chặt dây xích chó khi chúng mất bình tĩnh có thể khiến chúng hung hăng hơn.


Bản năng bảo vệ lãnh thổ của chó rất cao, nếu có người lạ đến gần, chúng lập tức sẽ giương cao cảnh giác.

Theo Madhav Raman, nhà quy hoạch đô thị, nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng trên chính là chính sách quản lý lỏng lẻo và thiếu tầm nhìn của nhà chức trách. Theo đó, một người có thể nhận nuôi chó mà không phải khai báo với chính quyền. Hậu quả là chính quyền sẽ khó kiểm soát nếu như người đó vứt bỏ chó. Ngoài ra, những chính sách xử lý chó hoang có phần thô bạo sẽ đe dọa chúng và càng kích thích bản năng săn mồi cũng như bảo vệ lãnh thổ của chúng.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất