Vì sao chữa lao phổi thất bại?
Bệnh lao đã không đáng sợ, có thể chữa khỏi được.
Nhưng đến đầu thập kỷ 70-80 thế kỷ trước lại xuất hiện nhiều người mắc lao nặng, bệnh diễn biến kéo dài, cuối cùng chết vì bệnh lao. Sau đó mãi cuối thập kỷ 70-80 các nhà bác học lại phát minh nhiều thuốc lao có hiệu lực mạnh khác không những diệt được vi khuẩn lao mà còn “tiệt khuẩn” (tiêu diệt tận gốc) như rifamficin (R, RMP), parazinamid (Z, PZA) và các thuốc ức chế sự phát triển vi khuẩn lao như ethambutol (E, EMB...). Nhiều bệnh lao nặng được chữa khỏi.
Hiểu biết về bệnh lao: Hiện nay người dân hiểu về bệnh lao rất hạn chế, nên quá coi thường, tưởng là “ho gió”, “ho thuốc lào, thuốc lá” không chịu đi khám bệnh, đến khi xảy ra các biến chứng như ho ra máu, tràn khí màng phổi, có thể suy kiệt, suy hô hấp... mới đến khám, lúc đó bệnh đã muộn, phổi bị đục ruỗng nhiều hang hốc... chữa rất khó khăn, cuối cùng là tử vong, nếu có chữa tích cực may ra mới được cứu thoát, nhưng để lại nhiều di chứng: khó thở, suy tim... không còn sức lao động trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Cũng do hiểu biết kém nên không giữ vệ sinh phòng bệnh cho cộng đồng, ho khạc nhổ bừa bãi là nguồn gieo rắc vi khuẩn lao cho mọi người xung quanh.
Không chấp hành triệt để chế độ điều trị
- Uống thuốc không đều đặn, thấy sức khỏe khá tốt, lên cân, ăn uống ngon tưởng là khỏi bệnh không đến khám kiểm tra ở các cơ sở y tế đang theo dõi, điều trị cho mình.
- Hoặc xem trên báo chí, truyền hình tưởng là chữa lao chỉ 6 tháng, 8 tháng là khỏi bệnh. Tự ý cho là không cần phải chữa nữa. Thực tế mỗi người mắc lao không giống nhau, ở các thể bệnh khác nhau, có người chỉ mắc lao phổi, phương pháp và thời gian điều trị khác với người vừa mắc lao phổi lại mắc các thể lao ngoài phổi như lao màng não, màng bụng, xương khớp... đặc biệt đối với lao màng não mủ chỉ chữa 6-8 tháng không theo dõi kiểm tra sức khỏe trước khi quyết định ngừng thuốc, nguy cơ này diễn biến xấu rất cao. Ngay cả trường hợp người chỉ mắc lao phổi thôi, nhưng người phổi đã có hang, đờm nhuộm soi trực tiếp BK (+) một (+), (++), (+++) cũng khác với người lao phổi chưa có hang, đờm BK soi trực tiếp (-). Thời gian chữa lao 6-8 tháng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là thời gian tối thiểu để điều trị bệnh lao, khi ngừng thuốc hoặc kéo dài thời gian điều trị hơn hay không cần phải được các thầy thuốc chuyên khoa quyết định, hoặc khi gặp khó khăn cần phải được hội chẩn và tuyến y tế chuyên khoa lao phổi cấp trên.
Người bệnh xem sách báo phổ biến kiến thức rồi tự chữa lấy, hoặc nhờ một cán bộ y tế chưa được tập huấn về chữa lao. Nhưng chữa lao không đơn giản, đòi hỏi phải hiểu sâu về cơ chế tác dụng thuốc kháng sinh, sinh bệnh học lao... mới có thể áp dụng phác đồ chữa lao hợp lý được, đấy là chưa kể đơn thuốc lao còn gây ra nhiều tác dụng phụ, hoặc tai biến chết người, ví dụ viêm gan do thuốc lao, theo y văn thế giới tỷ lệ xảy ra viêm gan do thuốc lao là 3%, ở nước ta tỷ lệ lên đến 7-8%.
Bệnh lao đã được phát hiện rồi nhưng chưa chịu chữa ngay, còn lo việc cơ quan, gia đình bận bịu... cần giải quyết xong mới yên tâm chữa bệnh! Trong thời gian đó con vi khuẩn Koch đâu có chờ ta thu xếp xong công việc rồi mới phát triển?!!!
Nguyên nhân do thầy thuốc
Chẩn đoán bệnh lao thực ra không đơn giản, rất dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh phổi khác, nhiều khi phổi có tổn thương rõ nhưng thể đờm BK nhuộm soi trực tiếp lại âm tính, tưởng nhầm là viêm phổi, viêm phế quản mạn tính, áp xe phổi, hay ung thư phổi. Do đó, cần phải theo dõi bệnh xét nghiệm đờm sau 1 tháng + 2 tháng, nếu do lao phổi sớm muộn cũng tìm thấy BK ở đờm nhuộm soi trực tiếp, nhưng điều này người bệnh và kể cả một số thầy thuốc đã bỏ qua. Đến khi bệnh đã nặng, phổi bị phá hủy nhiều, điều trị sẽ gặp khó khăn, dễ bị thất bại.
Điều trị không đúng phương pháp: Chữa lao cần phải phối hợp ít nhất 3 thuốc lao còn có hiệu lực với vi khuẩn lao, mặc dầu hiện nay WHO đã phổ biến lại phác đồ điều trị, nhưng không phải áp dụng một cách máy móc mà cần có hội chẩn với tuyến trên và các thầy thuốc chuyên khoa lao cũng phải luôn luôn cập nhật kiến thức theo kịp với tiến bộ y học. Ngoài ra trong thực tế cũng không hiếm gặp một số “thầy lang vườn” giả danh thầy thuốc “vác ống nghe” khám chữa bệnh lao mãi không khỏi bệnh càng nặng lên và người bệnh chết vì bệnh phổi khác không phải lao như K phổi...
Nguyên nhân do bệnh lao nặng
Tổn thương lao phổi rộng, phá hủy nhiều tạo thành hang hốc chứa rất nhiều vi khuẩn lao, có nhiều chủng BK kháng thuốc, làm cho chữa lao không hiệu quả. Trong các thể lao phổi thể lao xơ hang mạn tính (4b) vẫn là thể chữa còn gặp nhiều khó khăn, diện tích tổn thương lao càng rộng, tiên lượng bệnh càng xấu dễ thất bại điều trị, nguy cơ xảy ra nhiều biến chứng như ho ra máu, tràn khí màng phổi, có thể suy kiệt, suy hô hấp... cuối cùng dẫn đến tử vong.
Ngoài ra còn có một số yếu tố thuận lợi làm giảm sức chống đỡ cơ thể (suy giảm miễn dịch) làm cho bệnh lao nặng thêm như: thai nghén, nuôi con bú, nghiện rượu, đái tháo đường, ăn uống thiếu thốn do thiên tai, chiến tranh, đặc biệt ngày nay các bệnh siêu vi, HIV/AIDS phát triển rất nhiều làm cho bệnh lao càng ngày càng gia tăng, dễ làm cho lao phổi bùng phát thành lao bệnh.
Tóm lại các nguyên nhân trên dẫn đến điều trị lao thất bại: bệnh lao phổi nặng, tổn thương rộng, đờm nhiều BK; vi khuẩn lao kháng thuốc; vệ sinh phòng bệnh kém do không hiểu biết về bệnh lao, khạc nhổ bừa bãi gieo rắc vi khuẩn lao kháng thuốc cho người xung quanh mắc phải cũng bị lao kháng thuốc.