Vì sao giới trẻ dễ bị đau cổ vai gáy?
Cúi đầu quá lâu trong lúc làm việc với các thiết bị điện tử không chỉ gây đau nhức cổ, vai, gáy và cột sống mà còn dẫn đến đau cơ xương khớp.
Trước đây, đau vai gáy thường gặp ở độ tuổi trung niên. Tuy nhiên, đau mỏi vai gáy ngày càng trở nên phổ biến và trẻ hóa hơn. Có một số nguyên nhân khiến giới trẻ dễ gặp tình trạng đau mỏi vai gáy là hoạt động sai tư thế, công việc văn phòng phải ngồi lâu, lười vận động.
Sử dụng điện thoại, máy tính bảng... trong thời gian dài có thể là nguyên nhân dẫn đến đau vai gáy.
Ngoài ra, người bị đau vai gáy sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều. Việc cúi nhìn điện thoại, máy tính bảng trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ đau mỏi vai gáy.
Bên cạnh đó, người mắc các bệnh lý thoái hoá dốt sống cổ hay thoát vị đĩa đệm khi hoạt động, vận động sai tư thế cũng sẽ dễ gặp tình trạng đau vai gáy.
Đau vai gáy có biểu hiện gì?
Khi bị đau vai gáy, cơ bắp ở phần vai gáy sẽ đau nhức khiến bạn gặp khó khăn lúc cử động. Tình trạng đau vai gáy thường xuất hiện vào lúc sáng sớm khi thức dậy. Nếu tình trạng đau vai gáy nặng, bạn có thể thấy cơn đau ở phần vai lan dần xuống khu vực cánh tay.
Cơn đau vai gáy tăng lên khi người bệnh ngồi lâu, đi lại, vận động thậm chí cả khi thay đổi thời tiết hoặc hắt hơi. Cơn đau vai gáy giảm khi người bệnh nằm nghỉ ngơi.
Ngoài ra, một số trường hợp đau vai gáy sẽ xuất hiện thêm hoa mắt, chóng mặt hoặc nặng hơn là vùng cổ vai gáy gặp tình trạng căng cứng, gây ra các cơn đau dữ dội.
Duy trì tư thế ngồi đúng khi làm việc sẽ giúp bạn hạn chế được tình trạng đau vai gáy.
Phải làm gì để hạn chế tình trạng đau mỏi vai gáy?
Tình trạng đau vai gáy có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày, do vậy bạn có thể áp dụng một số cách sau để hạn chế:
- Không ngồi quá lâu, nên vận động nhẹ nhàng sau khoảng 45 - 55 phút làm việc. Bạn có thể đứng dậy và vận động nhẹ nhàng bằng cách đi lại, vận động nhẹ chân tay trong khoảng 5-10 phút.
- Duy trì tư thế ngồi đúng: Tư thế ngồi đúng sẽ giúp bạn giảm nguy cơ đau vai gáy. Nếu ngồi sai tư thế trong thời gian dài như việc cúi gập cổ, ngồi không thẳng lưng… không chỉ dẫn đến tình trạng đau vai gáy mà còn có thể khiến bạn đau lưng, cong vẹo cột sống… Một chiếc bàn, ghế làm việc phù hợp với chiều cao sẽ là cách giúp bạn duy trì được tư thế ngồi làm việc đúng.
- Lưu ý tư thế ngủ: Nếu bạn dùng gối, đệm không phù hợp có thể sẽ ảnh hưởng đến tư thế ngủ từ đó gây tác động đến phần cổ vai gáy. Bạn nên lựa chọn những loại gối có độ cao vừa phải, tốt nhất là ngang cổ và chọn đệm không quá mềm, nên chọn đệm có độ đàn hồi tốt.
- Có thời gian nghỉ ngơi hợp lý, không vận động quá sức hoặc các công việc tác động nhiều lên phần cổ vai gáy. Không dùng điện thoại, thiết bị điện tử trong thời gian quá dài.
- Thường xuyên vận động: Lối sống thiếu khoa học kèm theo lười vận động của nhiều người là nguyên nhân gây ra các bệnh lý ảnh hưởng đến sức khỏe. Việc tập luyện thể thao là cách để giúp các cơ trong cơ thể cân bằng và tăng cường thể chất giúp cơ thể không lão hoá sớm. Do vậy, mọi người cần duy trì tập luyện thể thao ít nhất 150 phút/tuần với cường độ trung bình và ưu tiên 2 ngày/tuần để tập luyện với cường độ cao đổ mồ hôi.
Nếu có cơn đau vai gáy xuất hiện với tần suất nhiều và ngày càng nặng hơn, bạn nên đến cơ sở y tế để tìm nguyên nhân và điều trị. Nhiều trường hợp đai vai gáy không điều trị có thể dẫn đến tê bì chân tay và nhiều biến chứng ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe.
- Cách đơn giản phòng trị đau cổ gáy, đau lưng
- Bài tập ngừa đau lưng cho dân văn phòng
- Cách chữa trị và đề phòng đau vai gáy sau khi ngủ dậy