Vì sao Google lại ra mắt chế độ ẩn danh (Incognito) trên Chrome?

Dĩ nhiên là người dùng có nhu cầu dùng trình duyệt ở chế độ ẩn danh - không lưu lại lịch sử. Nhưng Google có lợi gì khi đem lại tính năng đó?

Những người sử dụng Chrome trong thời gian đầu chắc chắn sẽ không quên được một trong những tính năng trọng tâm của trình duyệt này: duyệt ẩn danh (Incognito).

Mặc dù đi sau Safari của Apple gần 3 năm, Chrome vẫn là trình duyệt nền Windows đầu tiên hỗ trợ duyệt ẩn danh và nhờ đó thu hút được một lượng lớn các tín đồ có nhu cầu xem các nội dung... khó giải thích. Cả Internet Explorer và Firefox đều mất tới hơn một năm để có thể bắt kịp tính năng này.

Nhưng bạn đã bao giờ nghĩ tại sao Google lại hỗ trợ duyệt ẩn danh ngay trên bản Chrome đầu tiên ra mắt chính thức? Câu trả lời có thể khiến bạn bất ngờ: quảng cáo.

Bản chất quảng cáo


Có thể bạn không nhận ra, nhưng nguồn sống của Google là quảng cáo.

Trước hết, hãy cùng nhắc lại một sự thật quan trọng: Google là một công ty quảng cáo. Để quảng cáo hiệu quả (trúng đối tượng quan tâm), Google sẽ đọc các từ khóa tìm kiếm, email gửi/nhận trên Gmail hay các địa điểm bạn ghé thăm trên Maps để hiểu rõ hơn về bạn.

Nếu bạn vừa tìm kiếm với từ khóa “best SSD”, và nếu bạn vừa xem một loạt video đánh giá các sản phẩm như Evo 860 hoặc WD Blue 500GB, rõ ràng là bạn có nhu cầu mua SSD.

Vấn đề là ở chỗ làm thế nào để Google biết người vừa tìm kiếm “SSD” trên Google.com vài ngày trước là bạn, và người vừa xem video review Evo 860 trên YouTube cũng chính là bạn?

Trước khi bạn đưa ra câu trả lời “tài khoản Google”, hãy nhớ rằng nỗ lực tích hợp các sản phẩm Google thành một mạng lưới rộng khắp mới chỉ thực sự diễn ra trong vài năm gần đây, đặc biệt là thông qua mạng xã hội “yểu mệnh” Google+.

Và quan trọng hơn là các trang web nằm ngoài Google. Nếu bạn lên một trang thương mại điện tử để tìm SSD, nhu cầu mua sắm của bạn gần như là chắc chắn.

Vấn đề duy nhất còn lại ở đây là kết nối toàn bộ các thông tin trên các trang web để tạo ra một bức chân dung chính xác nhất về bạn, những thứ bạn quan tâm – nói cách khác là nhu cầu mua sắm của bạn.


Cookie là cách Google (và các nhà quảng cáo khác) xây dựng chân dung về bạn để quảng cáo cho chính xác.

Khả năng tạo ra bức chân dung này thực chất đã mặt trên web từ rất lâu. Người ta gọi chúng là “cookie”. Nói một cách nôm na, cookie chính là các gói thông tin nhỏ về người dùng được mỗi trang web gửi và nhận. Tổng hợp cookie trên một mạng lưới nhiều trang web, các nhà quảng cáo sẽ tạo dựng được một bức chân dung rõ nét về nhu cầu mua sắm của bạn.

Nếu không có Incognito Mode

Trở lại vấn đề của chúng ta. Hãy thử nghĩ mà xem, điều gì sẽ xảy ra nếu như các cư dân mạng sử dụng trình duyệt thường nhật của mình để vào xem web “nóng”? Ngay sau đó, họ sẽ buộc phải xóa đi các dữ liệu lịch sử lướt web.

Không một ai muốn nhận được các mẩu quảng cáo có nội dung đôi chút nhạy cảm, muốn đỏ mặt khi vô tình nhấn nút “p” trên ô địa chỉ.

Đáng tiếc rằng xóa lịch sử web đã duyệt cũng sẽ kéo theo một nạn nhân không mong muốn là cookie. Những gì các nhà quảng cáo biết về người dùng vừa xóa lịch sử duyệt sẽ không cánh mà bay, tất cả chỉ vì họ “lỡ” vào xem web “nóng”.

Mà nhu cầu xem web “nóng” thì lại không hề nhỏ. Theo thống kê của CE, vào năm 2015 có tới 2 tỷ lượt tìm kiếm trên Internet là dành cho web nóng. Một tổ chức khác, Internet Safety, cho rằng... 30% toàn bộ khối lượng nội dung trên web là nội dung "nóng".


Trước thời Incognito, xóa lịch sử web là xóa hết tất cả mọi thứ - bao gồm cả cookie.

Chính Incognito Mode sẽ là câu trả lời hữu hiệu cho vấn đề "không thể tránh khỏi" liên quan đến nội dung nhạy cảm và cookie. Chỉ bằng một bộ phím tắt (Ctrl Shift N), chúng ta sẽ được đưa sang một chế độ không lưu lại các trang web ghé thăm.

Sau khi xong việc, bạn chỉ cần tắt chế độ ẩn danh. Những gì các nhà quảng cáo – mà sừng sỏ nhất là Google – biết về mỗi người dùng trên khắp mạng lưới web rộng rãi sẽ không hề biến mất.

Rất nhiều các tính năng khác cũng đến từ động lực tương tự. Ví dụ, Google cũng là một trong những trình duyệt đầu tiên cho phép đồng nhất lịch sử duyệt web giữa các thiết bị khác nhau của chung một người dùng.

Tính năng này quả thật là tiện cho bạn nhưng sẽ là thực sự có ích cho Google: dù bạn có đổi sang thiết bị nào chăng nữa, ngay sau khi đồng nhất lịch sử Google đã ngay lập tức có thể hiểu rõ về bạn mà không cần dành một thời gian dài để thu thập cookie.

Những tính năng như vậy có ích cho bạn không? Rõ ràng là có chứ. Nhưng hãy nhớ rằng chúng cũng rất có ích cho Google. Bao giờ cũng vậy, nhu cầu của người dùng chỉ là cái cớ - lợi ích cho các công ty mới là thứ thực sự đẩy trải nghiệm người dùng về phía trước.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất