Vì sao hệ thống báo động có thể kêu khi không có cháy?

Bạn có cho rằng, hệ thống báo cháy gồm nhiều hệ thống tinh vi nhưng lại dễ "bị đánh lừa"?

Vào khoảng 20h45 ngày 13/10, còi báo động cháy tại tòa nhà VP5, khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai (Hà Nội) bất ngờ vang lên khiến nhiều người dân hốt hoảng, tháo chạy nháo nhác.


Xe cứu hỏa được điều đến hiện trường báo cháy.

Tuy nhiên, theo ghi nhận tại hiện trường không phát hiện ra khói, lửa. Nguyên nhân của hiện tượng còi báo động vang lên là do có người vứt tàn thuốc vào thùng rác ở hành lang bộ, lửa bén vào thùng xốp - khiến hệ thống báo cháy báo động.

Bạn có thắc mắc vì sao hệ thống báo động có thể kêu khi không có cháy và nguyên lý hoạt động của chúng ra sao? Hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây.

Cấu tạo của một hệ thống báo cháy

Hệ thống báo cháy tự động là hệ thống gồm tập hợp các thiết bị có nhiệm vụ phát hiện và báo động khi có cháy xảy ra.

Việc phát hiện ra tín hiệu cháy có thể được thực hiện tự động bởi các thiết bị hoặc bởi con người và hoạt động liên tục trong 24/24 giờ.


Các dụng cụ chữa cháy.

Một hệ thống báo cháy tự động cơ bản sẽ có cấu tạo 3 phần chính: trung tâm báo cháy, thiết bị đầu vào, thiết bị đầu ra. Trong đó, trung tâm báo cháy được thiết kế dạng tủ, bao gồm các thiết bị chính: một bảng điều khiển chính, các module, một biến thế, pin.

Thiết bị đầu vào gồm đầu báo khói, đầu báo nhiệt, báo gas, báo lửa… và công tắc khẩn. Thiết bị đầu ra gồm bảng hiển thị phụ, chuông báo động, đèn báo động, đèn thoát hiểm, bộ quay số điện thoại tự động.

Tất cả những thiết bị này sẽ được hoạt động theo một cơ chế đơn giản nhưng hiệu quả, đảm bảo tính chính xác cao.

Nguyên lý hoạt động của hệ thống báo cháy

Quy trình hoạt động của hệ thống báo cháy là một quy trình khép kín: Thiết bị đầu vào nhận tín hiệu - truyền tín hiệu đến trung tâm báo cháy - thiết bị đầu ra phát tín hiệu báo động.


Nguyên lý hoạt động của hệ thống báo cháy.

Khi có tín hiệu về sự cháy như nhiệt độ gia tăng đột ngột, có sự xuất hiện của khói hoặc các tia lửa điện - các thiết bị đầu vào như đầu báo, công tắc khẩn sẽ nhận tín hiệu và truyền thông tin của sự cố về trung tâm báo cháy.

Tại đây trung tâm sẽ xử lý thông tin nhận được, xác định vị trí nơi xảy ra sự cháy và truyền thông tin đến các thiết bị đầu ra (bảng hiển thị phụ, chuông, còi, đèn). Lúc này, các thiết bị này sẽ phát tín hiệu âm thanh, ánh sáng để mọi người nhận biết khu vực đang xảy ra sự cháy và xử lý kịp thời.

Vì sao hệ thống báo cháy dễ bị "đánh lừa"?

Hoạt động tinh vi là thế nhưng hệ thống báo cháy dường như dễ dàng "bị đánh lừa", như trường hợp báo cháy giả ở Xa La mới đây, hay rất nhiều vụ việc tương tự xảy ra trong quá khứ.

Tất nhiên, mọi chuyện đều có nguyên nhân và nó đến từ chính các thiết bị đầu vào của hệ thống báo cháy.

Như đã nói ở trên, hệ thống đầu vào bao gồm đầu báo nhiệt. Tuy nhiên, tốc độ truyền nhiệt trong không khí rất chậm nên cho đến khi đầu báo nhiệt nhận được tín hiệu thì có khả năng đám cháy đã vượt quá tầm kiểm soát.

Do đó, nhằm tăng khả năng nhận biết đám cháy sớm, người ta gắn thêm đầu báo khói, làm việc rất nhạy bén. Khói truyền trong không khí với vận tốc có thể lên tới 122m/phút nên có thể sớm truyền tín hiệu về cho trung tâm báo cháy.


Hệ thống báo khói thường hoạt động rất nhạy.

Nhưng cũng vì thế mà có nhiều trường hợp hệ thống báo cháy đã kêu rất... thảm thiết chỉ vì có người hút thuốc. Hoặc nếu như có ai đó vô tình gây ra một đám cháy nhỏ có khói và nhiệt (như đốt vàng mã), hệ thống báo cháy sẽ lập tức bị kích hoạt.


Nút báo động khẩn cấp bằng tay.

Bên cạnh đó, hệ thống đầu vào cũng có thiết bị báo động khẩn cấp bằng tay, để khi hệ thống gặp trục trặc, người ta vẫn có thể tự tay khởi động chuông báo cháy.

Tuy nhiên, một số cá nhân có thể lợi dụng điều này để tạo báo động giả nhằm trục lợi cho bản thân, hoặc đơn giản chỉ là họ muốn... nghịch ngợm.

  • Bí kíp phòng chống nhiễm khói độc khi chung cư bị cháy

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất