Vì sao Liên Xô từ bỏ dự án tàu vũ trụ Buran siêu việt hơn cả của Mỹ?

Dự án chế tạo tàu vũ trụ Buran siêu việt hơn cả của Mỹ, đồng thời là dự án vĩ đại cuối cùng của đất nước Liên Xô đã bị từ bỏ vì nhiều nguyên nhân.

Cách đây 30 năm, ngày 15/11/1988, Liên Xô cho ra mắt con tàu vũ trụ tái sử dụng đầu tiên mang tên Buran. Con tàu này thuộc dự án siêu tốn kém hàng tỷ USD, lớn nhất chưa từng có trong lịch sử thám hiểm không gian. Nó được đưa vào không gian bằng tên lửa đẩy siêu mạnh Energia, bay hai vòng quanh quỹ đạo trái đất và sau đó trở về bệ phóng ban đầu.

Chuyến bay được thực hiện bằng chế độ tự động hoàn toàn, không có người điều khiển. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử xuất hiện một tàu vũ trụ có khả năng tự hành, hạ cánh theo lịch trình cài đặt trước như vậy.

Sau chuyến bay vào vũ trụ đầu tiên của Buran, báo chí Liên Xô hứa hẹn nhiều về một kỷ nguyên mới trong lĩnh vực thám hiểm không gian. Nhưng trên thực tế chuyến bay ra mắt của tàu Buran, dù rất thành công lại chính là chuyến bay cuối cùng của nó. Và dự án đầy hứa hẹn “tàu vũ trụ Liên Xô”, đồng thời là dự án vĩ đại cuối cùng của đất nước Liên Xô đã bị từ bỏ.


Toàn cảnh bệ phóng tàu Buran trước giờ khởi hành. (Ảnh: Remmirath).

Kỷ nguyên mới về tàu vũ trụ tái sử dụng

Vào những năm 1970, các kỹ sư hàng không vũ trụ Mỹ đã quyết định chấm dứt kỷ nguyên của các loại tàu vũ trụ sử dụng một lần. Họ nhận thấy đã đến lúc phải thiết kế một loại tàu vũ trụ tái sử dụng mới, không chỉ hoạt động trong không gian mà còn phải trở về trái đất thành công. Đó là lý do chương trình tàu vũ trụ tái sử dụng của Mỹ ra đời.

Người Mỹ tin rằng, với các con tàu này, những chuyến bay vào không gian sẽ có chi phí thấp hơn nhiều. Nhưng lịch sử lại chứng minh quan điểm đó là sai lầm. Mỗi chuyến bay được thực hiện bằng tàu vũ trụ tái sử dụng tiêu tốn khoảng 1,5 tỷ USD, điều này đã khiến dự án khép lại vào năm 2011.

Vào thời điểm những năm 1970-1980, tàu vũ trụ được xem là một đột phá mới trong lĩnh vực thăm dò vũ trụ. Vượt qua hoài nghi ban đầu, Liên Xô đã nhanh chóng bắt tay thiết kế tàu vũ trụ tái sử dụng, mang tên Buran. Nhà lãnh đạo Liên Xô đã giao nhiệm vụ cho các kỹ sư chế tạo một tàu vũ trụ theo kiểu Mỹ bởi vì người Mỹ đã trải qua một chặng đường dài thử nghiệm và khắc phục những sai lầm. Bảy năm sau khi tàu con thoi Columbia đầu tiên của Mỹ được phóng vào năm 1981, tàu Buran của Liên Xô đã thực hiện chuyến bay huyền thoại.

Bản sao tàu vũ trụ Mỹ?

Tàu vũ trụ Buran của Liên Xô có vẻ ngoài trông giống tàu con thoi Columbia của Mỹ. Tuy nhiên do ra đời muộn 7 năm so với tàu con thoi của Mỹ nên Buran đã tránh được những sai lầm của đối thủ, tiến bộ hơn nhiều lần. Buran có thể ở trên quỹ đạo 30 ngày, dài gấp đôi so với tàu Columbia. Nó có thể chở 30 tấn hàng hóa, trong khi tàu con thoi của Mỹ chỉ chở được 24 tấn. Tuy nhiên, điểm khác biệt chính là tàu vũ trụ Buran có thể bay và hạ cánh theo cơ chế tự động, điều này đã được thể hiện một cách hoàn hảo trong lần bay duy nhất của nó.

Chi phí quá đắt đỏ

Mặc dù Buran là một bước đột phá thực sự về kỹ thuật, nhưng nó quá đắt đỏ đối với Liên Xô thời bấy giờ - khi quốc gia này đã chi một số tiền khổng lồ cho nhiều dự án lớn trong hơn 10 năm. Dự án Energia-Buran tiêu tốn tổng cộng hơn 16 tỷ rúp. Số tiền này có thể được sử dụng để xây dựng một khu đô thị lớn cho 10 triệu người dân.

Thêm vào đó, chi phí cho một chuyến bay của Buran cũng rất cao, trong khi việc sử dụng các tên lửa đẩy Proton và Soyuz dùng một lần rẻ hơn nhiều. Ý tưởng phát triển Buran thành oanh tạc cơ vũ trụ cũng bị từ bỏ do quan hệ Liên Xô-Mỹ vào cuối những năm 1980 đã bớt căng thẳng. Kỹ sư Stanislav Aksyonov, người từng tham gia dự án này nhớ lại: “Tàu vũ trụ tái sử dụng cuối cùng cũng không thể sử dụng được nữa. Sau chuyến bay đầu tiên trên thân tàu xuất hiện nhiều vết nứt và các kỹ sư cần phải thực hiện công cuộc đại tu lớn”.

Như vậy, dự án lớn cuối cùng của Liên Xô đã bị đóng băng vào năm 1990 và chính thức khép lại vào thời kỳ hậu Liên Xô, năm 1993. Đã có 5 chiếc tàu Buran được chế tạo, nhưng chỉ có 2 chiếc được giữ lại đến ngày nay, ở Nga và Kazakhstan. Tàu được gắn lên mô hình tên lửa đẩy và trưng bày tại sân bay Vũ trụ Baikonur. Ngày 12/5/2002, mái nhà chứa tàu vũ trụ sập trong quá trình sửa chữa, chôn vùi niềm kiêu hãnh một thời của ngành Hàng không Vũ trụ Liên Xô.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất