Vì sao loài vật lại cứu người?

Đã có biết bao nhiêu trường hợp chó, mèo, ngựa, cá heo... xả thân đánh trả những kẻ tấn công để bảo vệ chủ hay bằng trí thông minh "hạn hẹp" của mình đã tìm ra cách giúp chủ thoát khỏi cơn nguy kịch "ngàn cân treo sợi tóc".

Những hành động dũng cảm này của một số loài vật đã khiến con người phải cảm kích. Tuy nhiên, đằng sau những hành động "nghĩa hiệp" ấy rất nhiều nguyên nhân mà chỉ... loài vật mới biết!

Những tấm gương dũng cảm

Đáng biểu dương và đáng ghi nhớ nhất trong các hành động bảo vệ và cứu người của loài vật phải kể đến loài chó, vốn được xem là "người bạn tốt nhất của con người". Những "tấm gương" như thế trên thực tế có rất nhiều.

Điển hình là trường hợp của con chó Roselle thuộc giống Labrador: Vào ngày xảy ra vụ khủng bố bằng máy bay vào tòa tháp đôi tại New York ngày 11/9/2001, Roselle đã kịp thời "lôi" chủ nhân của nó là Michael Hingson, một người bị mù bẩm sinh, từ tầng 78 của toà tháp xuống đất an toàn trước khi toà nhà sụp đổ. Đặt chủ nhân tại một bến xe điện ngầm gần đó, Roselle cùng bạn thân của Michael là David Franck còn cố gắng cứu một phụ nữ bị thương ra khỏi đống đổ nát. Sau đó, Roselle quay lại tìm chủ rồi đưa anh ta về nhà an toàn.

Hay một trường hợp khác, chú chó Blue, nòi giống Bouvier đã chiến đấu kịch liệt để bảo vệ chủ nhân trước sự tấn công của một con cá sấu hung dữ tại một khu rừng ngập mặn ở bang Florida, Mỹ vào năm 2002. Đó là chưa kể đến những chú chó ngày đêm đào bới, đánh hơi trong các đống đổ nát sau các trận động đất, các trận lở đất, lở tuyết để tìm những người còn sống sót. Vào tháng 11/2007, nhờ tài đánh hơi và săn tìm dấu vết của Barry, một chú chó giống Saint-bernard, mà 40 người dân của một ngôi làng bị tuyết vùi trên sườn dãy Alpes, Thụy Sỹ đã được cứu sống.


Chó luôn là người bạn trung thành của con người.

Đáng được tuyên dương vì có hành động cứu người chỉ xếp sau chó, cá heo là mèo. Vào ngày 16/12/2008, sau một kỳ thi căng thẳng ở trường, Katie Finnie, một nữ sinh 16 tuổi ở thành phố Denver, Mỹ ngủ li bì mà không hề biết các tấm màn trong phòng đang bốc cháy do sự cố chập điện. May thay, chú mèo đen tên là Gizmo của Katie lấy lưỡi liếm mạnh quanh mặt của cô chủ cho đến khi cô kịp tỉnh dậy và thoát ra ngoài.

Trong một trường hợp khác, chú mèo tam thể Brinsky đã lao vào tấn công tới tấp kẻ bắt cóc cô chủ nhỏ mới 7 tuổi của mình tại thành phố Lansing, Michigan, Mỹ vào năm 2002. Hay hành động dũng cảm của chú mèo Aggie, gần như mù lòa nhưng vẫn cào lấy cào để vào mặt một tên trộm đêm khiến hắn ta phải bỏ chạy tại bang Pennsylvania (Mỹ) vào năm 1992.


Cá voi cứu thợ lặn.

Vào tháng 9/2003, Lulu, một con Kangourou mồ côi cha mẹ được một chủ trang trại ở vùng Tanjil của Australia đưa về nuôi dưỡng từ năm 2001 đã phóng như bay về nhà tìm cách báo cho vợ người chủ trang trại biết có chuyện nguy hiểm xảy ra với ông chủ. Nhờ thế, người chủ trang trại bị một cành cây gãy rơi trúng đầu nằm bất tỉnh cách đó 800m đã được cứu kịp thời.

Loài lợn cũng được biết đến là loài biết xả thân cứu người, mà điển hình là hành động anh dũng của chú lợn đực nặng đến 100kg tên Arnold đã tấn công hai tên tội phạm đang uy hiếp chủ của nó là bà Beky Meyers, ở thành phố Minneapolis, Mỹ để cướp tiền. Kết quả là một tên phải bỏ chạy, tên kia bị cảnh sát bắt giữ.

Vào ngày 16/10/1993, khi đang đánh bắt cá ngoài khơi cảng Conquet thuộc vùng Bretagne của Pháp, chiếc tàu đánh cá nhỏ của gia đình Colombier gồm 3 người bỗng gặp một cơn bão biển. Những con sóng lớn liên tiếp ập vào chiếc tàu đánh cá khiến nó có thể vỡ tung bất kỳ lúc nào. May thay, một đàn cá heo đông đến 12 con xuất hiện, bao quanh chiếc tàu, mõm của chúng đều quay về hướng Tây như hàm ý cho những người trên tàu biển rằng chỉ có cố sức đưa tàu về hướng đó thì mới có cơ may sống sót. Lập tức thuyền trưởng Patrick Colombier ra lệnh mở hết tốc lực vượt qua các cơn sóng lao theo đàn cá heo. Chỉ 36 phút sau, họ bắt gặp hòn đảo nhỏ Sainte Barte rồi neo tàu nấp cho đến khi bão tan. Để biết ơn đàn cá heo cứu mạng ngư dân, chính quyền thành phố Conquet đã cho xây dựng một tượng đài hình cá heo đặt ngay tại cảng.

Con người - Thành viên bầy đàn của loài vật?

Theo đánh giá của nhiều nhà động vật học, mỗi hành vi cứu người của loài vật đều có nguyên do, Jean Marc Poupard, một nhà khoa học làm việc tại Phòng nghiên cứu về sinh - xã hội học tại Đại học Paris V, cho rằng: "Sở dĩ chó có hành vi cứu người vì chúng đã được huấn luyện chỉ để làm công việc đó, chứ không phải làm một điều tốt cho con người như người ta vẫn nghĩ".

Còn theo Pierre Jouventin, một nhà khoa học làm việc tại Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia (CNRS) của Pháp: “Do có gốc gác tổ tiên từ loài chó sói, nên chó nhà luôn giữ bản năng sống theo bầy đàn, cho dù bầy đàn của nó là một gia đình của con người bao gồm chủ nhân của nó và những người thân của họ. Vì vậy, chúng phải bảo vệ họ trong trường hợp gặp nguy hiểm”.

Còn trong trường hợp đười ươi cái Binti Jua đã cứu một bé trai 3 tuổi rơi vào một cái hố ngay trong khu chuồng nuôi đười ươi tại Vườn thú Brookfield ở thành phố Chicago vào năm 1976, rồi bảo vệ chú bé khỏi sự tấn công của các con đười ươi khác trước khi giao lại cho nhân viên bảo vệ, thì các nhà nghiên cứu động vật cho rằng, do Binti Jua được con người nuôi dưỡng ngay từ nhỏ nên đã bắt chước cách mà các nhân viên của vườn thú đã săn sóc và bảo vệ nó.

Ảnh minh họa

Riêng nhà thần kinh - tâm thần học Boris Cyrulnik, làm việc tại Trung tâm nghiên cứu thần kinh Toulon của Pháp lại nhận định rằng: Các hành động cứu người của loài vật xuất phát từ mối liên hệ giữa các giống loài khác nhau. Ở một số loài, sự bất ổn của loài này kéo theo sự bất ổn cho loài khác.

Ở động vật có vú như chó, mèo, cá heo... hệ thần kinh của chúng có thể tương tác với thế giới tâm linh của những loài khác. Do đó, khi thế giới tâm linh của một loài nào đó gặp bất ổn thì chúng cũng cảm thấy bất ổn ngay. Vì vậy, chúng sẽ đáp lại các tín hiệu bất ổn này bằng các hành vi hỗ trợ. Trong các loài vật có vú, chó có hành vi hỗ trợ kịp thời và hiệu quả nhất. Nhà khoa học Piere Jouventin còn cho biết thêm: "Cá heo cũng có hành vi hỗ trợ kịp thời cho con người vì chúng sống theo bầy đàn. Chúng coi con người là thành viên bầy đàn của mình và ra tay cứu giúp khi gặp nguy hiểm".

Cũng có khi, loài vật ra tay giúp hay cứu người cũng chỉ vì quyền lợi của chúng. Giáo sư Piere Jouventin lý giải: "Nếu cá heo chỉ đường tránh bão cho ngư dân hay dẫn họ đến những vùng biển có nhiều cá để đánh bắt là do chúng muốn được thưởng một cách xứng đáng bằng việc cho chúng ăn no nê cá. Đó còn là trường hợp của một số loài chim Nam Mỹ dẫn con người đến nơi có tổ ong để khai thác, mục đích của chúng không phải là để giúp con người mà là để con người cho chúng được ăn mật ong thỏa thuê".

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất