Vì sao miền Trung mưa lũ kéo dài?

Không khí lạnh kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới khiến lượng mưa 10 ngày ở Thừa Thiên Huế, Quảng Trị gấp 2-6 lần trung bình nhiều năm cùng kỳ.

Từ ngày 6 đến 13/10, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi xuất hiện mưa lớn. Tại Hà Tĩnh, mưa 150-400 mm; Quảng Bình 400-500 mm, Quảng Trị 800-1.500 mm; Thừa Thiên Huế 1.300-2.000 mm; riêng A Lưới 2.235 mm; Đà Nẵng 1.100 mm, Quảng Nam 900-1.200 mm, Quảng Ngãi 600-800 mm.

Cơ quan khí tượng ghi nhận, lượng mưa 10 ngày đầu tháng 10 tại Thừa Thiên Huế cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 2 đến 4 lần, A Lưới (Thừa Thiên Huế) là 5 lần, Khe Sanh (Quảng Trị) 6 lần.

Mưa to liên tục khiến lũ các sông vượt báo động 3, hơn 135.000 hộ dân bị ngập 0,3-3 m, gần 46.000 người phải sơ tán. 36 người chết (30 người do bị lũ cuốn; 3 thuyền viên trên biển; 3 người bị điện giật do dọn dẹp sau lũ, chưa tính nạn nhân sạt lở thủy điện Rào Trăng 3); 12 người mất tích.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, chỉ ra bốn nguyên nhân khiến miền Trung mưa to.

Khu vực tồn tại dải hội tụ nhiệt đới thường xuyên duy trì mây đối lưu phát triển, gây mưa giông. Khi có thêm thành phần gió Đông hoạt động mạnh, lượng ẩm tích tụ càng lớn, đồng nghĩa mây đối lưu càng phát triển và mưa giông sẽ nhiều hơn, cường độ lớn, thời gian kéo dài.


Ông Nguyễn Văn Hưởng lý giải nguyên nhân mưa lũ miền Trung. (Ảnh: Gia Chính).

Khoảng 60-70% áp thấp nhiệt đới hình thành trên dải hội tụ nhiệt đới. Thực tế từ ngày 6/10 đến nay, một áp thấp nhiệt đới và hai cơn bão (Linfa và Nangka) đi vào miền Trung đều là do dải hội tụ nhiệt đới.

"Riêng hoạt động của bão/áp thấp nhiệt đới đơn thuần đã gây mưa rất lớn. Ví dụ bão Linfa gây mưa phổ biến 500-700 mm, có nơi trên 700 mm, những nơi mưa ít như Nam Hà Tĩnh hay Bắc Tây Nguyên cũng 200-300 mm", ông Hưởng nói.

Nguyên nhân sâu xa của các hiện tượng trên, theo cơ quan khí tượng là tác động của La Nina, xuất hiện từ tháng 7 và dự báo kéo dài đến đầu năm 2021. Trong những năm có La Nina, số cơn bão trên Biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam nhiều hơn trung bình, mùa mưa bão cũng kết thúc muộn hơn.


Chiều 13/10, đường Lê Thánh Tôn, TP Huế, nước ngập 60 cm. (Ảnh: Giang Huy).

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, sáng 15/10 một cơn áp thấp nhiệt đới sẽ vào Biển Đông, sau đó gây ra đợt mưa to ở miền Trung. "Sau áp thấp nhiệt đới này, dự báo từ nay đến sau ngày 20/10, các tỉnh từ Hà Tĩnh trở vào đến Bình Định, Phú Yên sẽ thường xuyên mưa to đến rất to", ông Hưởng nói.

Từ nay cho tới hết năm 2020, còn khoảng 4-6 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ở Biển Đông, trong đó 2-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, tập trung ở Trung và Nam Bộ. Các địa phương cần đề phòng mưa lớn dồn dập và kéo dài trong nửa cuối tháng 10 và tháng 11/2020, đặc biệt là Trung và Nam Trung Bộ.

Ngoài ra, trong những tháng mùa khô, Tây Nguyên và Nam Bộ nhiều khả năng xuất hiện các đợt mưa trái mùa. Những đợt rét đậm, rét hại ở phía Bắc có thể kéo dài 5-7 ngày và dài hơn ở các tỉnh vùng núi.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất