Vì sao NASA theo dõi vũ trụ bằng thiết bị có 36 điểm ảnh?
NASA do thám vũ trụ bằng thiết bị có cảm biến 36 điểm ảnh, con số thật sự khó tin trong thời đại mà smartphone bình thường cũng có thể chụp bức ảnh chứa hàng chục triệu pixel
Trong khi Kính viễn vọng Không gian James Webb nổi tiếng nhờ khả năng chụp ảnh hồng ngoại ở khoảng cách 1,5 triệu km, độ phân giải 122 MP thì thiết bị thiên văn mới nhất của NASA lại có cách tiếp cận khác với cảm biến 36 pixel.
Cảm biến 36 điểm ảnh được trang bị trong dự án khám phá vũ trụ của NASA. (Ảnh: NASA/XRISM/Caroline Kilbourne).
Theo TechCrunch, Sứ mệnh Quang phổ và Hình ảnh Tia X (XRISM) là kết quả hợp tác giữa NASA và Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA). Vệ tinh của chương trình này được phóng lên quỹ đạo vào tháng 9 năm ngoái, mang theo sứ mệnh thăm dò khắp vũ trụ, tìm lời giải cho một số vấn đề khoa học hóc búa.
Đáng chú ý, thiết bị sử dụng công cụ hình ảnh mang tên Resolve, có cảm biến chỉ 36 pixel.
“Resolve không chỉ là một chiếc máy ảnh, thiết bị có thể đo nhiệt độ của từng tia X chiếu vào. Chúng tôi gọi Resolve là máy quang phổ kế vi nhiệt lượng vì mỗi điểm ảnh trong số 36 pixel đều đo lượng nhiệt cực nhỏ của từng tia X, cho phép chúng tôi nhìn thấy dấu vết hóa học của các nguyên tố tạo nên nguồn năng lượng một cách chi tiết chưa từng có”, Brian Williams, nhà khoa học tham gia dự án XRISM của NASA, cho biết.
Được trang bị một dãy pixel đặc biệt, Resolve có thể phát hiện tia X “mềm”, có năng lượng lớn hơn khoảng 5.000 lần so với bước sóng ánh sáng khả kiến.
Mục tiêu chính của nó là khám phá các vùng vũ trụ nóng nhất, cấu trúc lớn nhất và thiên thể nặng nhất, chẳng hạn như các lỗ đen siêu lớn.
Mặc dù có số lượng pixel hạn chế, mỗi pixel trong Resolve đều rất đáng đặc biệt, có khả năng tạo ra phổ dữ liệu hình ảnh phong phú, bao gồm dải năng lượng từ 400-12.000 electron volt (eV).
NASA tuyên bố thiết bị này có thể nhận biết chuyển động của các phần tử bên trong mục tiêu, về cơ bản mang lại góc nhìn 3 chiều. Khí di chuyển về phía chúng ta phát ra năng lượng cao hơn bình thường một chút, trong khi khí di chuyển ra xa phát ra năng lượng thấp hơn.
XRISM mở ra một hướng khám phá mới cho ngành khoa học vũ trụ. Chẳng hạn, cho phép các nhà khoa học hiểu được dòng khí nóng trong các cụm thiên hà, theo dõi tường tận chuyển động của các nguyên tố khác nhau trong tàn dư của vụ nổ siêu tân tinh.
- Cơm tự chín - thực ra thứ bạn đang ăn không phải là cơm thật!
- Top 11 loài rắn lớn nhất và dài nhất thế giới, chúng sống ở đâu?
- Tại sao các tượng cổ Hy Lạp thường có “của quý” bé một cách khiêm tốn?