Vì sao nhiều người thích cho đường vào cà phê?
Nhiều người có thói quen uống cà phê đen (không pha đường hay sữa) để thưởng thích hết vị ngon của loại đồ uống nay, mặc dù vậy không ít người có thói quen cho đường hoặc sữa đặc có đường vào trong tách cà phê của mình. Vậy đâu là lý do giải thích hiện tượng này bên cạnh sở thích của mỗi người? Các nhà khoa học cho biết việc thích đồ ngọt không phải là lý do duy nhất chúng ta cho một chút đường vào cà phê, thêm vào đó đường có vai trò rất quan trọng trong việc làm giảm vị đắng thông qua các tác động hóa học cơ bản.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Food and Function đã đưa ra những hiểu biết mới về cách thức mà caffeine, đường và nước tương tác với nhau ở cấp độ phân tử có ảnh hưởng đến mùi vị của các loại đồ uống nóng. Theo đó, caffeine đóng một phần vai trò trong việc gây ra vị đắng, các phân tử caffeine có xu hướng dính vào nhau ở trong nước và nếu cho thêm một ít đường, chúng sẽ kết dính hơn. Nhiều thập kỷ trước, một số nhà khoa học đã giả định rằng hiện tượng này là do các mối liên kết giữa các phân tử nước xung quanh đường được tăng cường.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu của tiến sỹ Seishi Shimizu, được thực hiện tại phòng thí nghiệm Sinh học phân tử của đại học York thì nguyên nhân cơ bản lại là do mối quan hệ giữa các phân tử đường và nước. Cụ thể, khi chúng ta cho đường vào trong tách cà phê thì các phân tử caffeine dính với nhau để tránh xa đường. Đây chính là lý do vì sao chúng ta thường có cảm giác ít đắng hơn nếu cho thêm chất ngọt vào tách cafe. Nhận thức đúng đắn về vấn đề này sẽ giúp ích rất nhiều cho các chuyên gia thực phẩm trên nhiều khía cạnh.
Ngoài ra, tiến sỹ Shimizu cũng đã sử dụng nhiệt động lực học thống kê để tìm hiểu về các hoạt động ở mức phân tử và những tương tác xảy ra phía sau các loại thực phẩm được sử dụng hàng ngày. Sau khi đưa ra kết quả nghiên cứu, ông cho biết: “Thật thú vị khi những câu hỏi về đồ ăn và thức uống có thể được giải quyết bằng cách sử dụng các lý thuyết, chỉ đơn giản với một cây bút chì và giấy".
Cà phê là một loại đồ uống màu đen có chứa chất caffein và được sử dụng rộng rãi, được sản xuất từ những hạt cà phê được rang lên, từ cây cà phê. Cà phê được sử dụng lần đầu tiên vào thế kỉ thứ 9, khi nó được khám phá ra từ vùng cao nguyên Ethiopia. Từ đó, nó lan ra Ai Cập và Yemen, và tới thế kỉ thứ 15 thì đến Armenia, Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ và phía bắc Châu Phi. Từ thế giới Hồi giáo, cà phê đến Ý, sau đó là phần còn lại của Châu Âu, Indonesia và Mĩ. Ngày nay, cà phê là một trong những thức uống thông dụng toàn cầu.
Chất lượng hay đẳng cấp của cà phê khác nhau tùy theo từng loại cây, từng loại hạt và nơi trồng khác nhau. Cà phê Robusta được đánh giá thấp hơn so với cà phê Arabica do có chất lượng thấp hơn và giá cả theo đó cũng rẻ hơn. Loại cà phê đắt nhất và hiếm nhất thế giới tên là Kopi Luwak (hay "cà phê chồn") của Indonesia và Việt Nam. Đây không phải là một giống cà phê mà một cách chế biến cà phê bằng cách dùng bộ tiêu hóa của loài cầy. Giá mỗi cân cà phê loại này khoảng 20 triệu đồng (1300 USD) và hàng năm chỉ có trên 200 kg được bán trên thị trường thế giới.
Không giống như các loại đồ uống khác, chức năng chính của cà phê không phải là giải khát, mặc dù người dân Hoa Kỳ vẫn uống nó như thức uống giải khát. Nhiều người uống nó với mục đích tạo cảm giác hưng phấn. Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 8/2005 của nhà hoá học Joe Vinson thuộc Đại học Scranton (Hoa Kỳ) thì cà phê là một nguồn quan trọng cung cấp các chất chống ôxi hóa (antioxidant) cho cơ thể, vai trò mà trước đây người ta chỉ thấy ở hoa quả và rau xanh. Những chất này cũng gián tiếp làm giảm nguy cơ bị ung thư ở người.
- Vòng quanh thế giới với 31 loại cafe
- Lịch sử chế biến cà phê