Vì sao phi hành gia Trung Quốc không được phép đặt chân lên Trạm Vũ trụ ISS?

Trung Quốc là một trong ít quốc gia có ngành khoa học vũ trụ phát triển và có khả năng đưa người lên không gian. Tuy nhiên, các phi hành gia người Trung Quốc lại không được phép đặt chân lên ISS.

Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS - International Space Station) là một tổ hợp công trình quốc tế, được hợp tác xây dựng bởi 5 cơ quan không gian, bao gồm NASA (Mỹ), RKA (Nga), CSA (Canada), ESA (châu Âu) và JAXA (Nhật Bản). ISS được bắt đầu xây dựng từ năm 1998, hoạt động trên quỹ đạo tầm thấp của trái đất.

ISS được bắt đầu hình thành khi 2 mô-đun của trạm vũ trụ được lắp ráp với nhau trên không gian. Một điều khá thú vị là 2 mô-đun của ISS được phát triển bởi 2 quốc gia khác nhau, cũng là 2 quốc gia có ngành khoa học vũ trụ phát triển nhất thế giới là Nga và Mỹ.

Phần mô-đun do Mỹ phát triển có tên gọi Unity, trong khi phần mô-đun do Nga xây dựng có tên gọi Zarya. Hai mô-đun này đã lắp ráp với nhau trên quỹ đạo của Trái đất và vẫn tiếp tục tồn tại cho đến ngày nay.


Đã có 254 phi hành gia và nhà khoa học đặt chân lên trạm vũ trụ ISS. (Ảnh: ISS).

Kể từ năm 2000, khi các phi hành gia đầu tiên đặt chân lên trạm vũ trụ quốc tế ISS, thì trong 23 năm qua, chưa có thời điểm nào ISS vắng bóng sự hiện diện của con người.

Tính đến nay đã có 254 người, là các phi hành gia và các nhà khoa học với nhiều quốc tịch khác nhau, đặt chân lên trạm vũ trụ ISS. Một điều đặc biệt, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có phi hành gia người Trung Quốc nào đặt chân lên ISS.

Vậy lý do gì mà Trung Quốc, một trong 3 quốc gia có khả năng mang con người lên không gian (bên cạnh Nga và Mỹ), lại vắng bóng trên ISS?

Nguyên nhân của điều này bắt nguồn từ một phần trong đạo luật được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 2011. Đạo luật này được đưa ra bởi Hạ nghị sĩ Frank Wolf, cấm NASA hợp tác với bất kỳ quốc gia nào có chính sách quân sự "không thân thiện" với Mỹ. Trung Quốc là một trong những quốc gia như vậy.

Các nhà lập pháp Mỹ lo ngại rằng nếu NASA hợp tác với Trung Quốc, các bí mật công nghệ của Mỹ trong lĩnh vực khoa học vũ trụ có thể sẽ bị đánh cắp và làm nhái, gây tổn hại đến an ninh quốc gia.

Dù nghị sĩ Frank Wolf đã nghỉ hưu từ năm 2015, nhưng đến nay lệnh cấm vẫn còn hiệu lực.

Tuy nhiên, nhiều người sẽ đặt câu hỏi tại sao Quốc hội Mỹ thông qua luật cấm này, khi mà trước đó Mỹ vẫn hợp tác với Liên Xô trong thời kỳ chiến tranh lạnh để phát triển các chương trình nghiên cứu về vũ trụ. Đến nay, dù Nga và Mỹ vẫn có những quan điểm bất đồng, nhưng 2 nước vẫn tiếp tục hợp tác để xây dựng trạm vũ trụ ISS.

Câu trả lời chính là vì trình độ khoa học vũ trụ của Liên Xô đã có những bước đột phá lớn. Việc hợp tác với Liên Xô sẽ giúp Mỹ tiết kiệm được chi phí, giảm bớt gánh nặng tài chính trong cuộc đua khám phá vũ trụ.

Đặc biệt, quá trình hợp tác giữa Mỹ và Nga về khám phá vũ trụ được xem là một biểu tượng của sự hòa giải giữa 2 cường quốc sau giai đoạn chiến tranh lạnh. Trạm vũ trụ ISS được xem là một công trình vĩ đại của nhân loại và đánh dấu sự hợp tác giữa các cường quốc.

Năm 2007, Thứ trưởng Bộ khoa học và Công nghệ Trung Quốc Lý Tuyết Dương tuyên bố Trung Quốc muốn được tham gia vào dự án xây dựng ISS.

Đến năm 2010, Tổng giám đốc Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) Jean-Jacque Dordain cho biết ESA đã sẵn sàng để kiến nghị với 4 đối tác xây dựng ISS khác để mời Trung Quốc hợp tác vào dự án này. Nhưng ông Dordain cũng cho biết cần phải có một quyết định tập thể của tất cả các thành viên tham gia dự án.

Trong khi Nga và châu Âu mở cửa với Trung Quốc để tham gia vào dự án ISS, Mỹ vẫn giữ nguyên lập trường.

Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần khẳng định rằng giao lưu quốc tế và hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật hàng không vũ trụ hoàn toàn dựa trên cơ sở cùng có lợi và sử dụng vì mục đích hòa bình, phát triển chung. Tuy nhiên, dường như điều này vẫn chưa đủ để thuyết phục Quốc hội Mỹ xóa bỏ lệnh cấm.

Các nhà khoa học Trung Quốc cũng đã nhiều lần chỉ trích lệnh cấm được Quốc hội Mỹ thông qua là "vô đạo đức". Dù bị cấm hợp tác với Mỹ, tuy nhiên, hiện Trung Quốc vẫn hợp tác với Nga cũng như cơ quan không gian châu Âu (ESA) cho các dự án nghiên cứu không gian của mình.

Bản thân Trung Quốc cũng đang tự phát triển chương trình nghiên cứu không gian của riêng mình, trong đó phát triển trạm không gian Thiên Cung, được phóng lên vũ trụ từ tháng 9/2011.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất