Vì sao rồng Komodo cái “đoản mệnh” hơn con đực?
Trong thế giới loài rồng Komodo, một loài thằn lằn ăn thịt khổng lồ, con cái thường chỉ có tuổi thọ ngắn (31 năm), trong khi con đực lại có tuổi thọ trung bình cao gấp đôi (62 năm).
>>> Bí ẩn cú đớp kịch độc của rồng Komodo
Lý giải hiện tượng trên, một nhóm nhà khoa học đã nghiên cứu 400 cá thể rồng Komodo từ năm 2002-2010 ở miền đông Indonesia.
Kết quả cho thấy, các con đực và con cái cùng kích cỡ cơ thể khi đến tuổi trưởng thành về giới tính, vào lúc khoảng 7 tuổi. Nhưng về sau con cái phát triển chậm hơn và chỉ dài khoảng 1,2 mét, nặng 22kg. Còn con đực dài 1,6 mét và nặng 65kg.
Sinh sản, làm tổ và bảo vệ tổ làm cho rồng cái chết sớm hơn rồng đực
Tốc độ tăng trưởng này có thể được xem như một sự thích nghi tiến hóa để đảm bảo hoạt động sinh sản được thành công. Các con cái thường nhỏ hơn do chúng dồn năng lượng vào sản xuất trứng, làm tổ và bảo vệ tổ. Trong khi con đực to lớn để có thể cạnh tranh với các con đực khác trong cuộc giành giật bạn tình và lãnh thổ.
Tuy nhiên, chính việc đầu tư vào sinh sản của con cái đã dẫn tới sự khác biệt lớn về tuổi thọ của nó với con đực. “Trong quá trình đẻ trứng và làm tổ kéo dài suốt 6 tháng, con cái giảm cân rất nhiều và suy nhược cơ thể trầm trọng”, Tim Jessop, một nhà động vật học tại Đại học Melbourne cho biết.
Mặc dù hiện nay rồng Komodo có khoảng 5.000 cá thể còn sống trong tự nhiên, nhưng chỉ có 350 con cái giống còn sống. Các con cái chết sớm làm tăng thêm tính khốc liệt trong cạnh tranh của các con đực và gây ra tình trạng lưỡng tính ở loài này. Vì thế, rồng Komodo đang được xếp vào danh sách loài có nguy cơ tuyệt chủng.
Nghiên cứu trên được công bố trực tuyến Tạp chí PLoS ONE.
Tham khảo: Livescience