Viêm phổi Vũ Hán giống 70% bệnh SARS

Chủng virus nCoV tương tự virus Corona gây bệnh SARS song tỷ lệ tử vong khoảng 1% và diễn tiến chậm còn SARS tử vong 10%, diễn tiến nhanh hơn. 

Bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Xanh Pôn, cho biết về bản chất virus nCoV giống đến 70% so với virus gây bệnh SARS năm 2003 (cả hai đều thuộc họ Coronavirus). 30% còn lại là sự khác biệt về mặt di truyền, cùng với những biểu hiện của bệnh.

"Tuy nhiên hiện là giai đoạn ban đầu của bệnh viêm phổi cấp mới, cần có thêm dữ liệu mới đánh giá được đầy đủ", bác sĩ Phúc nhấn mạnh. Ngoài ra, nCoV là biến thể virus ở vị trí Beta, khiến bệnh dễ dàng lây nhiễm từ người sang người hơn. Đặc biệt, virus corona suy yếu khi nhiệt độ trên 20 độ C, nhất là trên 25 độ và điều kiện độ ẩm cao. Nếu độ ẩm cao, thông khí tốt sẽ hạn chế được lây lan.

Các triệu chứng của nhiễm virus corona chung gồm chảy nước mũi, ho, đau họng, có thể đau đầu, sốt và khó thở dần dẫn đến hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng, sốc nhiễm trùng, toan chuyển hóa, rối loạn đông máu. Với những người có hệ miễn dịch yếu, người cao tuổi và trẻ em, khả năng nhiễm Coronavirus cao hơn. Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá hình hình bệnh hiện diễn ra chủ yếu ở Trung Quốc nên chưa đến mức công bố đại dịch khẩn cấp toàn cầu.

Nguyên nhân gây bệnh viêm phổi cấp là chủng virus thuộc họ Corona chưa từng được biết đến, được đặt tên là nCoV, gây bệnh truyền nhiễm về đường hô hấp. Tuy nhiên, tại Vũ Hán, Trung Quốc, người ta tìm thấy có virus Corona trong dơi, nhưng bản thân dơi không thể truyền bệnh cho người. Còn nguyên nhân bùng phát dịch có đến từ mèo, cầy, dơi, rắn hay các động vật hoang dã khác hay không cần được đánh giá thêm, "càng sớm càng tốt để giúp ngăn chặn nguồn gây dịch bệnh bùng phát".

Đợt dịch SARS-CoV năm 2003, virus Corona từ dơi tạo ra biến thể rồi nhảy sang cầy hương, từ cầy hương lại nhảy sang người để gây bệnh. Do đó, trong dịch nCoV, dơi cũng có thể là vật chủ tự nhiên, sau đó tạo ra biến thể gen ở vị trí Beta, rồi từ dơi lây sang rắn là vật chủ trung gian, từ rắn lại sang người ở chợ bán thịt Huanan ở Vũ Hán. Ngoài ra, virus nCoV có thể truyền từ người sang người qua tiếp xúc gần, ho, hắt hơn và lây truyền từ người sang người khiến số người mắc bệnh tăng nhanh

Theo bác sĩ Phúc, trong tương lai gần, virus nCoV với đặc điểm có biến thể ở vị trí Beta có thể làm cho độc lực bị giảm đi rất nhiều nhưng khả năng lây nhiễm lại rất cao, đặc biệt là lây nhiễm từ người sang người.

"Nghĩa là số bệnh nhân viêm phổi và tử vong thấp, nhưng số người nhiễm nCoV dưới dạng cảm cúm sẽ tăng nhiều", bác sĩ Phúc giải thích. 

Xa hơn, nCoV sẽ trở thành virus cúm phổ biến và tái xuất theo chu kỳ hàng năm. Điều này khác với SARS-CoV độc lực quá cao nhưng khả năng lây nhiễm rộng cộng đồng thấp nên khó phát tán rộng, dễ bị tiêu diệt sau một đợt dịch năm 2003 và không còn quay trở lại.


Việt Nam tăng cường kiểm soát, thắt chặt dịch bệnh viêm phổi lạ. Hai người mắc bệnh đã được cách ly tại bệnh viện Chợ Rẫy. (Ảnh: Giang Huy)

Hiện chưa có thuốc điều trị hiệu quả nCoV. Phương pháp điều trị chính vẫn là liệu pháp điều trị hỗ trợ, điều trị triệu chứng, nâng cao sức đề kháng của hệ miễn dịch. Nhưng, việc phát hiện biến thể Beta là một thành công lớn, cho phép chúng ta phát hiện ra Protein giúp virus xâm nhập tế bào. Đây là cơ hội để các nhà khoa học tìm ra vắcxin đặc hiệu với chủng virus này.

Bộ Y tế đã có Hướng dẫn tạm thời giám sát và chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona nCoV. Theo đó, người có các triệu chứng viêm đường hô hấp hoặc nghi ngờ mắc bệnh như sốt, ho, khó thở không nên đi du lịch hoặc đến nơi tập trung đông người. Người chăm sóc bệnh nhân phải thực hiện các biện pháp phòng hộ cá nhân như đeo khẩu trang, kính mắt, găng tay, mũ áo... rửa tay với xà phòng sau mỗi lần tiếp xúc với bệnh nhân.

Giám sát những người tiếp xúc gần người bệnh, người ngồi cùng hàng hoặc trước sau hai hàng ghế trên cùng một chuyến xe, toa tàu, máy bay, sống trong cùng gia đình... Vệ sinh thông khí, thông thoáng nhà ở, lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật bằng xà phòng hoặc dung dịch khử khuẩn. Các chất tiết đờm hô hấp của bệnh nhân phải được xử lý triệt để bằng dung dịch khử khuẩn có chứa 1,25 Clo hoạt tính...

Đối với những người trở về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm phổi tại thành phố Vũ Hán trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.

Hai số điện thoại "nóng" được Bộ Y tế công bố để thông tin về bệnh viêm phổi cấp do virus nCoV 0989671115, 0963851919. Bộ khuyến cáo người dân liên hệ đến Cục Y tế dự phòng hoặc cơ quan y tế gần nhất, nếu nghi ngờ viêm phổi hoặc bị viêm phổi.

Bệnh viêm phổi cấp tính khởi phát ở Vũ Hán ngày 31/12/2019 với 41 người nhập viện, sau đó lan nhanh nhiều thành phố khác và xuất hiện ở Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ. Nguyên nhân gây bệnh là chủng virus thuộc họ Corona chưa từng được biết đến, được đặt tên là nCoV, gây bệnh truyền nhiễm về đường hô hấp. Đến ngày 24/1, hơn 830 người Trung Quốc bị viêm phổi cấp, 25 người chết, 8 thành phố bao gồm Vũ Hán, Hoàng Cương, Ngạc Châu, Xích Bích, Tiên Đào, Tiềm Giang, Chi Giang, Lợi Xuyên bị phong tỏa nội bất xuất ngoại bất nhập.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất