Viễn cảnh thảm khốc của thảo nguyên châu Phi
Mức CO2 ngày càng gia tăng trong khí quyển có thể dẫn đến một viễn cảnh thảm khốc với một phần ba các loài thực vật sinh sống trên thảo nguyên châu Phi bị tuyệt chủng, các nhà khoa học cảnh báo.
Một nghiên cứu mới cho thấy bên cạnh việc làm ấm khí hậu, mức độ tăng cao của khí nhà kính cũng sẽ kích hoạt những thay đổi sâu sắc trong thảm thực vật hành tinh.
Nhóm nghiên cứu đã phân tích các loại "hóa thạch hóa học" để theo dõi sự phát triển của thực vật trong những năm qua ở miền đông nam châu Phi, và nhận thấy sự thay đổi nồng độ CO2 đã gây ra những thay đổi mạnh mẽ với các loài cây xanh trong khu vực.
Sự đa dạng thực vật ở thảo nguyên đang bị đe dọa bởi mức tăng CO2.
Thực vật dựa vào CO2 để quang hợp (quá trình chúng tạo ra chất dinh dưỡng cần thiết để tồn tại). Các loài cỏ nhất định có thể tận dụng tốt hơn sự tăng vọt của khí CO2 sẽ phát triển nhanh hơn. Tuy nhiên các loài cây khác có nhu cầu dinh dưỡng đa dạng hơn sẽ bị bỏ lại.
Phân tích mới cho thấy gần 8.000 trong số 23.000 loài thực vật cận nhiệt đới được tìm thấy trên khắp các đồng bằng châu Phi có thể bị xóa sổ nếu xu hướng tăng CO2 hiện tại tiếp tục. Họ ước tính tỷ lệ tổn thất với các loài thực vật thảo nguyên trong thế kỷ tới có thể sẽ là cao nhất trong hơn 15.000 năm qua.
Tiến sĩ Clayton Magill, một nhà nghiên cứu tại Đại học Heriot-Watt, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết kết quả đã này là đáng báo động, đặc biệt với mức độ quan trọng của sự đa dạng thực vật đối với con người trên toàn thế giới.
"Nghiên cứu của chúng tôi cho chúng thấy một viễn cảnh thảm khốc có thể xảy ra đối với thực vật và sự đa dạng ở khu vực châu Phi. Và thực tế mức độ suy giảm đa dạng sinh học sẽ đặc biệt rõ rệt đối với các khu vực cận nhiệt đới, như thảo nguyên", ông nói.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu các dấu vết hóa học do dầu thực vật để lại trên Trái đất, cho thấy những thay đổi trong cộng đồng thực vật qua hàng thiên niên kỷ. Họ phát hiện ra rằng những thay đổi này phản ánh mức dao động CO2 trong 25.000 năm qua. Các nhà nghiên cứu cũng cho biết xu hướng này có thể sẽ tiếp tục trong những thập kỷ tới.
Ô nhiễm carbon do tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch đạt mức chưa từng thấy vào năm ngoái và mức CO2 dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong năm 2019.
Phát thải khí nhà kính của con người có liên quan đến một sự kiện tuyệt chủng hàng loạt đang diễn ra, chủ yếu do sự nóng lên toàn cầu.
Các loài đang bị đẩy đến bờ vực khi nhiệt độ tăng cao, khiến chúng mất môi trường sống. Tác động này càng trở nên trầm trọng hơn do ô nhiễm và sự mở rộng của con người vào các khu vực hoang dã trước đây.
Các kết quả mới này được công bố trên tạp chí PLOS ONE.