Viễn cảnh tuyệt chủng hàng loạt như khủng long

Thế giới đang bấp bênh trước bờ vực tuyệt chủng hàng loạt, và con người đã đẩy nhanh tốc độ biến mất của các loài sinh vật lên gấp 10.000 lần.

>>> Núi lửa Úc gây ra đợt tuyệt chủng đầu tiên trong lịch sử

Trong lúc trái đất đối mặt với viễn cảnh tuyệt chủng hàng loạt lần thứ sáu với mức độ khủng khiếp, nhân loại phải chịu trách nhiệm vì đang đẩy nhanh tốc độ tuyệt chủng của động vật và thực vật. Theo trang Phys.Org dẫn báo cáo của các chuyên gia Đại học Duke (Mỹ), các loài đang biến mất với tốc độ nhanh gấp 10 lần so với dự đoán, trong khi tốc độ tuyệt chủng trước khi con người xuất hiện chậm hơn nhiều. “Chúng ta đang ngấp nghé bờ vực tuyệt chủng hàng loạt lần kế tiếp, và liệu có tránh được hay không là dựa vào hành động của con người”, theo trưởng nhóm nghiên cứu Stuart Pimm.


Những loài có thể sớm biến mất nếu không được can thiệp - (Ảnh: Huffington Post)

Được đánh giá là báo cáo đóng vai trò bước ngoặt, cuộc nghiên cứu của các chuyên gia Đại học Duke tập trung vào việc tính toán “tử suất” của các loài dẫn đến tuyệt chủng trong số 1 triệu loài trên bề mặt địa cầu. Kết quả phân tích mới nhất cho thấy tỷ lệ tuyệt chủng trước thời con người ở mức 0,1/năm/1 triệu chứ không phải 1/năm/1 triệu như báo cáo vào năm 1995, cũng do tiến sĩ Pimm chịu trách nhiệm thực hiện. Trong khi đó, hiện tỷ lệ tuyệt chủng nhanh gấp ít nhất là 1.000 lần so với con số 0,1, không những thế còn có thể lên đến 1.000/1 triệu. Dù có nhiều yếu tố khác nhau tác động đến quá trình tăng tốc biến mất của các loài sinh vật, yếu tố lớn nhất vẫn là mất đi môi trường sống mà thủ phạm không ai khác là con người, theo tiến sĩ Pimm và đồng tác giả Clinton Jenkins của Viện Nghiên cứu sinh thái học tại Brazil.

Những tác nhân chủ chốt khác góp phần đẩy nhanh sự biến mất của các giống loài trên thế giới bao gồm: làn sóng xâm nhập của những sinh vật ngoại lai theo đà di cư của con người đến các vùng đất mới và tiêu diệt cộng đồng động thực vật bản địa; tình trạng thay đổi khí hậu ảnh hưởng đến nơi sinh sống của các giống loài; và hậu quả từ việc khai thác cá quá mức. Một ví dụ điển hình là một loài khỉ đuôi sóc ở Brazil, hiện bị đẩy vào đường cùng do công cuộc phát triển tại nước này đã tàn phá môi trường sống của chúng, trong khi một loài khỉ đuôi sóc khác lấn chiếm nơi ở diện tích ít ỏi còn lại. Cá mập vây trắng từng là một trong những loài động vật ăn thịt đông đúc nhất trên trái đất, nhưng chúng đang bị săn lùng ráo riết đến nỗi giờ đây hầu như vắng bóng trên các bề mặt đại dương, theo nhà sinh học biển Boris Worm thuộc Đại học Dalhousie (Canada). “Nếu chúng ta không can thiệp, thế giới sẽ phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng hàng loạt như đã xảy ra với khủng long”, Giáo sư Worm cho biết.

Trong số những loài nhiều khả năng sẽ biến mất hoàn toàn có tê giác Sumatra, báo tuyết Amur và tinh tinh núi. Tuy nhiên, tiến sĩ Pimm và chuyên gia Jenkins cho rằng vẫn còn có chút hy vọng để cứu vãn, chẳng hạn có thể tận dụng thói quen sử dụng điện thoại thông minh và các ứng dụng như iNaturalist để yêu cầu dân thường và các nhà sinh học kịp thời thông báo một khi phát hiện có loài động vật sắp gặp nguy hiểm. Khi nắm được thông tin, các chuyên gia có thể nỗ lực vãn hồi tình trạng bằng cách duy trì môi trường sống và áp dụng biện pháp gây giống cũng như các phương thức khác để lưu lại loài vật có thể bị tuyệt chủng.

Đã từng có loài được cứu sống bằng cách này, đó là khỉ đuôi sóc sư tử vàng. Cách đây vài thập niên, loài linh trưởng nhỏ bé từng bị cho là đã tuyệt chủng do môi trường sống của chúng bị quét sạch. Tuy nhiên, sau đó các nhà khoa học tình cờ phát hiện chúng ở những vùng hẻo lánh nhất của Brazil và tiến hành các biện pháp bảo vệ, đồng thời tìm kiếm nơi ở mới cho chúng. Hiện cộng đồng khỉ đuôi sóc sư tử vàng lại sinh sôi và thoát được số phận diệt vong.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất