Việt Nam đo mức độ phóng xạ

Ngay sau sự cố nổ tại nhà máy hạt nhân tại Nhật Bản, Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam hôm nay yêu cầu các cơ sở đo mức độ phóng xạ trong môi trường.

Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và Viện khoa học và kỹ thuật hạt nhân Hà Nội được giao đo mức độ phóng xạ tại các trạm mà hai đơn vị này quản lý.

Phó giáo sư, tiến sĩ Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam, cho biết cho đến nay không có bất kỳ một sự bất thường nào về phóng xạ tại hai trạm nói trên.

"Mức độ của sự cố nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản ở cấp 4, nên nhiều khả nănng chỉ ảnh hưởng tới các vùng lận cận. Nhưng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi thông tin, phối hợp với Nhật Bản và các nước để có được các thông tin đầy đủ hơn phục vụ cho nghiên cứu về sự cố này", ông Tấn nói.


Vụ nổ ở nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Fukushima 14/3.

Ngoài ra, Bộ Khoa học và công nghệ cũng chỉ đạo Viện năng lượng nguyên tử nghiên cứu sâu sắc bản chất của sự cố để có thể rút ra các bài học kinh nghiệm cho mình trong chương trình phát triển điện hạt nhân.

Theo đánh giá ban đầu của các nhà khoa học, thiết kế của toà lò phản ứng của Nhật Bản là tương đối tốt, chịu được động đất lớn đến 9 độ và sóng thần. Song nhà máy Fukushima vẫn sử dụng nguyên lý an toàn chủ động (active safety features), tức là hệ thống làm nguội lò phản ứng phải sử dụng nguồn năng lượng điện từ máy phát diezel trong trường hợp khẩn cấp.

Những nhà máy này được xây dựng vào những năm 1970 và 1980 thuộc thế hệ thứ 2, cho nên nguyên lý an toàn thụ động chưa được áp dụng.

Theo nguyên lý thụ động, khi xảy ra sự cố, nhà máy sẽ tự động giải nhiệt, không cần tác động của con người cũng như không cần sử dụng nguồn điện bổ sung.

"Tại Việt Nam, Nghị quyết của Quốc hội đã khẳng định phải sự dụng thế hệ lò phản ứng hiện đại, đảm bảo độ an toàn và kinh tế. Những lò phản ứng thế hệ thứ 3 mà chúng ta lựa chọn sẽ có đặc tính an toàn thụ động", ông Tấn nhấn mạnh.

Ba lò phản ứng ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima mất khả năng làm lạnh sau khi động đất gây mất điện. Các máy phát điện dự phòng bị sóng thần nhấn chìm, khiến lò phản ứng không thể hạ nhiệt. Các kỹ sư và công nhân của nhà máy ở Nhật đang bơm nước biển vào để làm nguội lò.

Sau trậnđộng đất và sóng thần chiều 11/3 ở Nhật, nhiều nhà máy điện hạt nhân bị ảnh hưởng. Nhật đã ban bố tình trạng khẩn cấp và đóng cửa một số nhà máy điện hạt nhân.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất