Việt Nam tạo giống lúa japonica cám siêu dầu

GS.TS Phạm Văn Cường cùng cộng sự đã chọn tạo ra dòng lúa giống mới cho hàm lượng dầu trong cám lên tới 20%, có thể dùng để chế biến dầu ăn.

Dầu cám gạo dễ sản xuất, giá thành rẻ, đang trở thành thực phẩm được ưa chuộng bởi chứa nhiều axit béo thiết yếu và hoạt chất chống oxy hóa, nhất là gamma-oryzanol. Tại Việt Nam, lượng lúa gạo, cám sản xuất ra lớn nhưng dầu gạo lại chưa phổ biến. Trong khi đó, Nhật Bản thành công về chọn tạo giống lúa cho sản xuất dầu gạo chất lượng cao, là nước sản xuất và tiêu thụ nhiều dầu gạo trên thế giới.

Để phát triển các dòng lúa giống mới có triển vọng lấy dầu gạo tại Việt Nam, năm 2019 Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai chương trình Song phương đa phương để trao đổi nguồn gene, chọn tạo giống lúa japonica phục vụ chế biến dầu cám gạo, giao cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ trì, phối hợp với nhóm nhà khoa học của Khoa Nông nghiệp, ĐH Kyushu, Nhật Bản.

GS. TS Phạm Văn Cường, Trung tâm nghiên cứu cây trồng Việt Nam và Nhật Bản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Chủ nhiệm đề tài cho biết, qua phân tích nhóm nghiên cứu nhận thấy hàm lượng dầu trong cám của dòng lúa japoncica mới cao hơn các giống lúa thông thường ở Việt Nam (Khang Dân 18) khoảng 7%. Tỷ lệ cám gạo cũng cao hơn khoảng 6%, như vậy năng suất dầu sẽ cao hơn nhiều so với giống lúa thông thường. Hàm lượng gamma-oryzanol cũng cao hơn khoảng 50% nên chất lượng dầu tốt. Giống lúa japonica còn có khả năng chịu lạnh, chịu phân, chống đổ và ít nhiễm một số loại sâu bệnh.


Mô hình thử nghiệm giống lúa DCG93 tại Nam Định. (Ảnh: NVCC)

Sử dụng các phương pháp chọn lọc phân tử và di truyền, dòng lúa japonica mang các gene ưu tú, phù hợp điều kiện ở Việt Nam. Những hạt giống đầu tiên được mang đi nhân thế hệ với 3 vụ/năm, gồm hai vụ Xuân và Mùa ở Hà Nội, một vụ Đông Xuân ở Sóc Trăng. "Giống lúa japonica mới DCG93 phù hợp theo hướng lấy dầu, cho năng suất cao ở vùng có ánh sáng mạnh như các tỉnh miền núi phía Bắc trong vụ xuân", GS Cường cho biết kết quả sau hơn một năm triển khai nhiệm vụ.

Trồng giống lúa DCG93 trên mô hình, thời gian sinh trưởng tại các tỉnh phía Bắc trong vụ xuân là 135-140 ngày, vụ mùa là 120-125 ngày. Cây cứng, chống đổ ngã tốt, ít nhiễm sâu bệnh, năng suất trung bình 6,9 tấn/ha trong vụ xuân, 5,7 tấn/ha trong vụ mùa. Gạo DCG93 có các tỷ lệ cao (15,2-15,6% cám), (23,3-24,1% hàm lượng dầu trong cám), (2,21-2,23% hàm lượng gamma-oryzanol). Đối chứng với J02- giống lúa japonica trồng phổ biến ở miền Bắc Việt Nam có tỷ lệ cám 9,5-9,8%, hàm lượng dầu chỉ đạt 18,1-18,4%, và hàm lượng gamma-oryzanol đạt 1,37-1,41%.

Theo GS Cường, thành công của dự án là sử dụng nguồn vật liệu và phương pháp chọn lọc từ Nhật Bản. Từ đó, nhóm nghiên cứu đã xây dựng quy trình canh tác lúa japonica phù hợp với điều kiện sinh thái của vùng trồng ở Việt Nam. Bên cạnh đó, công nghệ tách chiết dầu cám gạo thô cũng được nhóm phát triển với quy mô phòng thí nghiệm bước đầu khả quan, dầu cho chất lượng tốt.


GS Phạm Văn Cường sử dụng thiết bị máy đo cường độ quang hợp trong nghiên cứu giống lúa. (Ảnh: NVCC)

Để sản xuất dầu cám gạo quy mô lớn, GS Cường cho rằng, cần gắn liền với vùng nguyên liệu, có thể tận dụng cám gạo từ nguồn xay xát các giống lúa thông thường. Bên cạnh mở rộng quy mô sản xuất giống lúa japonica theo hướng lấy dầu, cần nghiên cứu chế biến sử dụng sản phẩm gạo japonica sau khi đã xay xát lấy cám nhằm tăng hiệu quả kinh tế của sản xuất lúa.

GS Cường cho biết thêm nhóm sẽ tiếp tục phát triển dòng lúa japonica DCG93 và các dòng lúa triển vọng khác. Đồng thời cải tiến quy trình tách chiết và tinh lọc dầu gạo. "Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, các địa phương, doanh nghiệp để giống lúa DCG93 được công nhận và mở rộng sản xuất với quy mô lớn nhằm nâng cao giá trị kinh tế cho người trồng", GS Cường nói.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất