Virus có thể 'xơi tái' vi khuẩn

Một loại virus mới được phát hiện có khả năng ăn được vi khuẩn, tiềm năng trở thành vũ khí lợi hại trong cuộc chiến chống những vi khuẩn nhờn thuốc kháng sinh. 


Vi khuẩn luôn biết cách chống lại tác dụng của kháng sinh. Chúng có thể tống kháng sinh ra ngoài cơ thể hoặc tiết ra các enzyme để tiêu diệt kháng sinh. Tình trạng kháng thuốc cản trở các liệu pháp điều trị dành cho những bệnh phổ biến (như viêm phổi, nhiễm khuẩn salmonella, lao), gây lãng phí tiền của và giúp bệnh tật hoành hành.

Pseudomonas aeruginosa, loại vi khuẩn gây viêm tai, rất khó bị tiêu diệt vì nó tự bọc cơ thể trong màng sinh học (một lớp gồm các hợp chất đường, protein). Màng này làm tăng khả năng kháng thuốc của nó lên tới 1.000 lần.

Giờ đây, các nhà khoa học thuộc Đại học London (Anh) đã tìm ra một nhóm virut có khả năng tiêu diệt vi khuẩn. Đó là Bacteriophage, ăn vi khuẩn gây viêm tai bằng cách phá vỡ màng sinh học và tiêu diệt các tế bào, nhưng lại không làm hại những vi khuẩn có ích trong cơ thể con người.

Andrew Wright, một chuyên gia về tai của Đại học London, cùng các cộng sự thử nghiệm tác dụng của Bacteriophage đối với 24 người bị viêm tai nặng. Một nửa bệnh nhân dùng Biophage-PA (thuốc kháng sinh chứa virus Bacteriophage) và những người còn lại dùng giả dược.

Sau vài ngày, mức độ đau, chảy mủ và viêm nhiễm ở cả hai nhóm đều giảm, song tốc độ tiến triển ở nhóm dùng kháng sinh cao gấp đôi so với nhóm kia. Số lượng vi khuẩn gây viêm tai ở nhóm dùng kháng sinh giảm đáng kể, trong khi số lượng vi khuẩn ở nhóm kia hầu như không thay đổi. Sau 6 tuần, 3 bệnh nhân dùng kháng sinh đã khỏi bệnh.

“Thử nghiệm này là một bước tiến quan trọng trong cuộc chiến chống vi khuẩn, nhưng vẫn còn nhiều thách thức đang chờ chúng ta ở phía trước. Một ngày nào đó, rất có thể vi khuẩn gây viêm tai sẽ tìm ra cách chống lại kháng sinh Biophage-PA”, Lucinda Hall, một chuyên gia về vi sinh học của Đại học Y khoa London, nhận xét.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất