Virus Ebola: Vì sao chưa có thuốc chữa?
Dịch bệnh virus Ebola đang là mối đe dọa đối với cả thế giới không chỉ vì sự lây lan rất nhanh và tỷ lệ tử vong cao, mà còn vì chúng ta chưa có thuốc chữa.
Virus Ebola lần đầu tiên xuất hiện hơn ba thập kỷ trước, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có phương pháp chữa cũng như thuốc đặc trị cho căn bệnh này. Theo các chuyên gia cho biết, virus Ebola là một trong những loại virus nguy hiểm nhất hiện nay, không chỉ vì tỷ lệ tử vong do nó gây nên rất cao, mà còn vì tính chất đặc biệt của loại virus này khiến cho các bác sĩ rất khó khăn trong việc nghiên cứu và điều trị.
Hiện nay, những người bị nhiễm virus Ebola chỉ được điều trị theo các liệu pháp nói chung, có nghĩa là chỉ hỗ trợ người bệnh chống chọi lại căn bệnh. Những người nhiễm virus Ebola thường sẽ được chuyền dịch (vì cơ thể bị mất nước), cộng thêm các phương pháp điều trị nhằm duy trì huyết áp và nồng độ oxy, có thể điều trị nhiễm trùng nếu các mụn nước trên da bị loét.
Vậy tại sao chúng ta vẫn chưa có phương pháp điều trị cụ thể hơn với dịch bệnh Ebola?
Một phần lý do vì dịch Ebola gây ra bởi một loại virus, chứ không phải một loại vi khuẩn thông thường. Các nhà khoa học trước đây cũng rất khó khăn trong việc tìm ra những phương pháp điều trị cho các căn bệnh mà virus gây ra, so với các căn bệnh do vi khuẩn, Derek Gatherer – một nhà nghiên cứu sinh học tại đại học Lancaster tại Anh, chuyên nghiên cứu về di truyền học và virus đã cho biết.
“Liệu pháp đề kháng virus đã tụt lại rất nhiều so với các liệu pháp đề kháng vi khuẩn trong nhiều thập kỷ trở lại đây”, Gatherer cho biết thêm: “đó là bởi vì virus là một tế bào nhỏ, chỉ sản xuất một lượng rất nhỏ protein. Do đó có rất ít “mục tiêu” để các nhà khoa học nghiên cứu và điều trị". Chính vì thế mà chúng ta rất khó để tìm ra một loại vắc-xin có thể chống lại virus Ebola. Ngay cả khi có một loại vắc-xin được điều chế và đưa vào cơ thể, thì hệ thống miễn dịch của chúng ta cũng không thể nhận biết được sự tồn tại của chúng.
Virus Ebola cũng có tốc độ phát triển rất nhanh chóng, do đó không có loại vắc-xin nào có đủ khả năng ngăn chặn một dịch bệnh vùng phát và lây lan. Cũng bởi tính chất nguy hiểm của nó, với tỷ lệ tử vong cao tới 90%, nên các nhà nghiên cứu phải làm việc với virus Ebola tại các cơ sở đặc biệt, trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ mà không phải ở đâu cũng có, cộng thêm số lượng hạn chế các thử nghiệm có thể tiến hành. Khiến cho việc nghiên cứu và tìm ra phương pháp điều trị gặp nhiều khó khăn và kéo dài.
“Chỉ có rất ít nơi trên thế giới đủ cơ sở vật chất để tiến hành nghiên cứu virus Ebola. Virus Ebola yêu cầu phòng thí nghiệm với mức độ an toàn sinh học 4, mức độ bảo vệ cao nhất”, Gatherer cho biết.
Bên cạnh đó, có khá ít người đã từng nhiễm virus Ebola, hay thậm chí rất ít người bị nhiễm mà còn sống sót. Khiến cho việc nghiên cứu sự phát triển và biến chứng của loại virus này trên cơ thể người gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra tỷ lệ tử vong rất cao khiến các nhà khoa học rất khó để xác định các yếu tố sinh học nào có thể giúp người bệnh chống lại sự tấn công của virus Ebola.
Khi nhiễm phải virus Ebola, nó sẽ tấn công hệ miễn dịch của người bệnh, làm cho các mạch máu nhỏ bị vỡ, nhiều tế bào bị viêm vì nhiễm khuẩn. Các tổn hại mạch máu có thể dẫn đến huyết áp giảm và chứng suy đa tạng, khiến các cơ quan bên trong cơ thể bị suy yếu. Những trường hợp bị nhiễm Ebola đa phần là do tiếp xúc với các loài động vật bị nhiễm bệnh, hoặc tiếp xúc với các chất dịch cơ thể của người đã mắc bệnh như máu, đờm. Các triệu chứng ban đầu là sốt, đau mỏi cơ bắp, đau đầu, nôn mửa, tiêu chảy và phát ban, theo WHO.
Một số phương pháp điều trị Ebola hứa hẹn sẽ có hiệu quả đã được thử nghiệm trên động vật trong phòng thí nghiệm, trong đó có biện pháp sử dụng hợp chất can thiệp vào quá trình sinh sản của virus. Một phương pháp điều trị thử nghiệm khác đó là ngăn chặn các virus tiếp xúc với tế bào trong cơ thể, bằng cách ngăn chặn các protein trên bề mặt tế bào mà virus liên kết. Trong một thử nghiệm cách đây không lâu, 4 con khỉ trong phòng thí nghiệm đã sống sót sau khi nhiễm virus Ebola. Nhờ được tiêm kháng thể virus lấy từ loài chuột, có khả năng ngăn chặn sự nhiễm trùng.