Vỏ chuối có thể trở thành nguồn nhiên liệu khổng lồ
Một nhà khoa học Anh vừa tìm ra cách biến rác thải từ cây chuối thành một loại than bánh để nấu nướng, thắp sáng và sưởi ấm. Giải pháp này có thể ngăn chặn nạn phá rừng và giúp nhiều người thoát khỏi cảnh nghèo đói.
Tại một số nước châu Phi như Rwanda chuối là loại quả quan trọng, bởi người ta dùng chúng để sản xuất thực phẩm, rượu và bia. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng quả không phải là bộ phận duy nhất có ích trên cây chuối. Theo tính toán của các nhà khoa học, để thu hoạch được một tấn quả chuối, người ta phải bỏ đi 10 tấn rác thải gồm vỏ, lá và thân cây.
Trong một lần tới thăm Rwanda, anh Joel Chaney, một nghiên cứu sinh tiến sĩ của Đại học Nottingham (Anh) nảy ra ý tưởng biến vỏ chuối thành một loại nhiên liệu để tận dụng rác thải của các nhà máy chế biến chuối. Khi quay trở lại trường, Chaney miệt mài nghiên cứu để tìm ra cách đốt cháy vỏ chuối.
Ban đầu anh nghiền nát một đống vỏ và lá rồi trộn với mùn cưa. Sau đó anh nén “hỗn hợp” và làm khô để tạo thành bánh than. Khi châm lửa những bánh than bốc cháy và tỏa nhiệt rất ổn định.
“Vỏ chuối có khả năng kết nối rất tốt với các loại nhiên liệu khác. Chúng có những đặc tính giống như keo dán vậy. Chúng ta có thể nặn nhiên liệu bằng tay để tạo thành hình quả cầu, hoặc dùng áp lực để nén nhiên liệu và ép nước ra. Sau khi ép chúng ta có thể phơi nắng và bánh than sẽ khô trong vòng hai tuần”, Chaney cho biết.
Trong nhiều năm qua nhiều nhà khoa học đã tìm cách chế tạo kiểu bếp đun và nhiên liệu mới để giúp người dân tại các nước nghèo giảm chi phí dành cho việc nấu ăn, thắp sáng và sưởi ấm. Nhiều loại bếp mới và nhiên liệu mới đã ra đời, song không được sử dụng do chúng quá đắt hoặc không đáp ứng được nhu cầu thực tế của người dân.
Mike Clifford, một giáo sư thuộc khoa Chế tạo máy của Đại học Nottingham, đã dùng than bánh mới để đun nước và sưởi ấm. Ông tỏ ra hài lòng. “Chúng tôi không hề sử dụng bất kỳ dụng cụ nào trong quá trình sản xuất bánh than, chỉ có đôi tay. Tôi chưa từng thấy loại nhiên liệu nào có quy trình sản xuất đơn giản mà lại cung cấp năng lượng hiệu quả như thế này”, Clifford nhận xét.
Các nhà khoa học tin rằng nhiên liệu từ chuối có thể giúp người dân giảm sự phụ thuộc vào củi – nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu ở châu Phi. Tại một số nước sản xuất chuối lớn nhất lục địa đen như Rwanda, Tanzania và Burundi, củi đáp ứng hơn 80% nhu cầu năng lượng.
Sự lệ thuộc quá lớn vào củi buộc người dân phải chặt phá rừng và tình trạng này khiến hiệu ứng nhà kính ngày càng trở nên tồi tệ. Bên cạnh đó, lấy củi cũng là một công việc ngốn rất nhiều thời gian.
“Ở nhiều nơi phụ nữ phải đi bộ hơn 6 giờ để lấy được một bó củi, trong khi rác từ cây chuối chất thành đống trong vườn của họ. Rơm rạ cũng là một nguồn nhiên liệu, song bạn sẽ luôn phải túc trực bên cạnh bếp vì chúng cháy rất nhanh. Trong khi đó, than bánh làm từ chuối cho phép bạn ra ngoài làm việc khác trong lúc nấu nướng, đồng thời làm tăng vị ngon của thức ăn”, Chaney nói.
Chaney và các cộng sự cho rằng giải pháp đơn giản của anh sẽ góp phần vào việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc và giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi cảnh nghèo đói.