Vỏ Trái đất tách đôi, kim cương hồng tràn lên bề mặt ở Úc
Hệ tầng Argyle ở Úc, nơi chứa 90% kim cương hồng trên thế giới, vừa hé lộ bí mật choáng váng liên quan đến siêu lục địa mất tích Nuna.
Một nghiên cứu dẫn đầu bởi tiến sĩ Hugo Olierook từ Đại học Curtin (Úc) đã tìm ra nguồn gốc của số kim cương hồng khổng lồ tại Hệ tầng Argyle, cũng như của nhiều loại kim cương màu trên thế giới.
Đó là một sự kiện cực kỳ khủng khiếp: Sự tách đôi của bề mặt hành tinh, trong một quá trình lớn, lâu dài và liên tục gọi là "kiến tạo mảng".
Kim cương hồng nhiều sắc độ ở Hệ tần Argyle nước Úc - (Ảnh: Murray Rayner).
Theo Live Science, kim cương hồng khác biệt với kim cương thông thường và cả kim cương xanh hay vàng, vốn có màu từ các tạp chất ni-tơ hay boron. Màu hồng huyền hoặc đó là do cấu trúc tinh thể bị uốn cong. Một số viên ở Argyle thậm chí có màu huyết dụ do tinh thể bị biến dạng quá trầm trọng.
Sự biến dạng đó đã giúp các nhà khoa học lần tìm về một sự kiện kiến tạo mảng khoảng 1,3 tỉ năm trước. Thời điểm đó, nước Úc nằm trên một siêu lục địa bị vỡ ra mang tên Nuna.
Quá trình tan rã của các siêu lục địa là do mảng kiến tạo bên dưới di chuyển, kéo theo các phần lục địa và đại dương mà chúng "cõng" bên trên bị di chuyển theo, tách rời hoặc hợp lại.
Mảng kiến tạo có thể được hiểu nôm na là các mảnh vỏ của Trái đất. Do đó, quá trình tan rã của một lục địa thực chất có nguồn gốc từ xáo trộn rất sâu trong lòng hành tinh.
Theo nghiên cứu mới, chính cú xé đôi của vỏ hành tinh này đã khiến kim cương hồng ở độ sâu hàng trăm km được đưa lên bề mặt. Đó cũng là lý do kho kim cương hồng ở Úc nằm ở rìa lục địa - địa điểm của vết nứt cổ xưa xé đôi Nuna.
Tất cả những biến động trên đã vẽ nên bức tranh hoàn chỉnh của sự ra đời kho kim cương độc nhất vô nhị: 1,8 tỉ năm trước, hai mảnh vỏ Trái đất cõng lục địa va chạm với nhau như một phần của sự hình thành Nuna, khiến kim cương giữ chúng bị chèn ép với áp suất khủng khiếp đến nỗi làm biến dạng các tinh thể, tạo nên màu hồng đẹp mắt.
500 triệu năm sau đó, Nuna tan rã và những thứ mà chúng vừa mới tôi luyện khi lục địa hình thành bị phun lên bề mặt do tác động mạnh mẽ của cú tách rời. Toàn bộ sự phun trào đá sâu lẫn kim cương này kéo dài chỉ vài ngày hoặc vài tuần.
Phát hiện mới không chỉ cho thấy nguồn gốc cực kỳ quý giá của kim cương hồng nước Úc, mà còn góp thêm mảnh ghép quan trọng vào bức tranh còn nhiều bí ẩn của quá trình kiến tạo mảng, tuy đáng sợ nhưng là một trong những yếu tố quan trọng giúp ổn định khí quyển và từ quyển, làm sự sống phát sinh, tiến hóa và được bảo vệ.
- Viên kim cương hồng khổng lồ đắt nhất thế giới vừa được tìm thấy
- Kim cương hồng Nga siêu lạ có thể là viên đá quý đắt nhất thế giới
- Viên kim cương hồng tím siêu đắt và dự báo cạn kiệt trong tương lai