Vũ khí bắn gục kẻ thù trong nháy mắt của tôm gõ mõ

Tôm gõ mõ dùng càng như một khẩu súng, bắn ra luồng sóng xung kích cực mạnh gây thương tích nặng nề cho kẻ thù.

Nếu lặn xuống những vùng biển nhiệt đới gần bờ, bạn có thể nghe thấy một âm thanh giống như hạt dẻ nứt vỡ khi bị nướng chín. Với âm lượng khoảng 200 decibel, lớn hơn tiếng súng trường cỡ .22, âm thanh này thuộc loại inh tai nhất dưới đại dương, chỉ xếp sau tiếng kêu của cá nhà táng.


Vũ khí có sức sát thương lớn của tôm gõ mõ. (Video: National Geographic).

Đó chính là tiếng động phát ra từ chiếc càng của tôm gõ mõ, được ví như khẩu súng uy lực của loài vật này, có thể bắn ra luồng sóng xung kích hạ gục đối thủ hoặc con mồi chỉ trong nháy mắt, theo New Scientist.

Khi hai con tôm gõ mõ đối đầu nhau, chúng bất ngờ khép chặt chiếc càng lớn gần bằng một nửa kích thước cơ thể hướng về phía đối thủ, tạo ra tia nước cực mạnh có tốc độ lên tới 30m/giây.

Uy lực từ cú bắn của loài tôm này hiếm khi gây tử vong, nhưng có thể khiến con tôm bại trận bị đứt càng hoặc hứng chịu thương tích trầm trọng. Nhưng tia nước tốc độ cao này không phải vũ khí gây thương tích, bởi đó là kết quả từ luồng sóng xung kích phát ra từ cú khép càng.

Nhà khoa học Phoevos Koukouvinis ở Đại học London, Anh, cùng các cộng sự đã mô phỏng những gì xảy ra sau khi tôm gõ mõ khép càng ở nhiều tốc độ khác nhau. Họ phát hiện khi càng tôm đóng chặt, ma sát giữa tia nước phun nhanh và vùng nước tĩnh lặng ở xung quanh tạo ra một vòi xoáy.

Khi vòi xoáy bắt đầu xoay tròn tới mức đủ nhanh, nó tạo ra một khoảng trống ở chính giữa. Khi khoảng trống sụp đổ, nó giải phóng sóng xung kích rất mạnh. Tất cả quá trình này xảy ra trong chưa đầy một nửa mili giây, Koukouvinis cho biết.


Tôm gõ mõ dùng cặp càng để bảo vệ bạn tình và chỗ ở. (Ảnh: New Scientist).

Do tôm gõ mõ chỉ dài khoảng 5 centimet, khẩu súng xung kích của chúng chỉ dùng để nhắm vào những động vật cỡ bé tương tự. Nhưng nhà nghiên cứu Nancy Knowlton ở Viện Smithsonia tại Washington, Mỹ, khuyến cáo không nên cho tay vào bể nuôi tôm gõ mõ. "Bạn sẽ không cảm thấy bất kỳ điều gì nếu chỉ lặn gần rạn san hô, nhưng nếu bạn để tay trước càng tôm, bạn hiển nhiên sẽ cảm thấy rất đau khi bị tấn công bằng sóng xung kích", Knowlton nói.

Tôm gõ mõ là loài ăn xác thối, chuyên ăn mảnh vụn dưới đáy biển, do đó chúng hiếm khi sử dụng chiếc càng "bắn đạn" để làm kinh sợ con mồi. Thay vào đó, chúng sử dụng vũ khí sóng xung kích để bảo vệ bạn tình và chỗ ở của mình.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất