Vụ nổ siêu tân tinh bắn sao siêu tốc xuyên thiên hà

Các vụ nổ siêu tân tinh là thủ phạm gây ra những ngôi sao bay với tốc độ siêu cao xuyên qua các thiên hà.

Các nhà khoa học của Đại học Cambridge, Anh trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Monthly Notices of the Royal Astronomical Society cho biết các sao siêu tốc (hypervelocity star) trong dải Ngân hà bị vụ nổ siêu tân tinh bắn khỏi thiên hà cũ, Newsweek ngày 5/7 đưa tin.


Mô phỏng nguồn gốc của các sao siêu tốc. (Video: YouTube).

Khoa học trước đây chưa thể lý giải vì sao các sao siêu tốc trong dải Ngân hà đạt vận tốc trên 3,2 triệu km/h. Giả thuyết các sao này bị siêu hố đen kéo ra khỏi trung tâm dải Ngân hà không thuyết phục vì năm 2016, các nhà khoa học phát hiện hệ hai sao quay quanh nhau với vận tốc cực nhanh dù không ở gần hố đen nào.

Quan điểm cho rằng sao siêu tốc tách khỏi các thiên hà lùn và cụm sao hỗn loạn không thể giải thích việc các sao này dường như xuất hiện cùng vị trí trên bầu trời. "Các sao siêu tốc hầu hết được tìm thấy ở chòm sao Sư Tử và Lục Phân Nghi. Chúng tôi tự hỏi tại sao lại như vậy", Douglas Boubert, tác giả chính của nghiên cứu, nói.

Sử dụng dữ liệu từ trạm quan sát SDSS và mô phỏng máy tính, các nhà khoa học xác định đa số các sao siêu tốc có khả năng đến từ Đám mây Magellan Lớn (LMC), thiên hà lùn lớn nhất và quay nhanh nhất quanh dải Ngân hà với vận tốc khoảng 1,45 triệu km/h.


Các sao siêu tốc hầu hết được tìm thấy ở chòm sao Sư Tử và Lục Phân Nghi.

Theo các nhà nghiên cứu, các sao đôi trong LMC quay quanh nhau với vận tốc lớn. Khi một trong hai sao phát nổ trong vụ nổ siêu tân tinh, sao còn lại bị bắn vào vũ trụ với vận tốc cực lớn hợp thành từ vận tốc của LMC và vận tốc bị bắn đi.

"Các sao này nhảy khỏi một đoàn tàu tốc hành nên không lấy làm ngạc nhiên tại sao chúng bay nhanh đến vậy", Rob Izzard, đồng tác giả, nói. "Điều này cũng lý giải vị trí của chúng trên bầu trời. Chúng bị bắn dọc quỹ đạo của LMC ở phía nam hướng tới các chòm sao Sư Tử và Lục Phân Nghi ở phía bắc".

Các nhà nghiên cứu hy vọng dữ liệu từ vệ tinh Gaia của Cơ quan Vũ trụ châu Âu sẽ xác nhận nghiên cứu vào năm sau.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất