Vụ va chạm khổng lồ sinh ra hai mặt trăng sao Hỏa

Các mặt trăng của sao Hỏa có thể được hình thành sau khi sao Hỏa va chạm với một hành tinh sơ khai có kích thước bằng 1/3 nó.

Theo Huffington Post, nhiều nhà khoa học trước đây cho rằng hai mặt trăng Phobos và Deimos của sao Hỏa có nguồn gốc từ các tiểu hành tinh bị bắt giữ khi bay ngang qua hành tinh đỏ.

Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Geoscience hôm 4/7, một nhóm các nhà khoa học Pháp, Bỉ và Nhật Bản dựa trên mô phỏng máy tính đã phát hiện hai mặt trăng Phobos và Deimos hình thành sau vụ va chạm lớn giữa sao Hỏa với một hành tinh sơ khai (protoplanet) bằng 1/3 kích thước của nó.


Minh họa vụ va chạm khổng lồ tạo ra 2 mặt trăng Phobos và Deimos. (Ảnh: Labex UnivEarthS 2016).

Đây là một lý thuyết từng được đề xuất, nhưng giới khoa học trước đây không thể lý giải tại sao một tác động lớn như vậy lại tạo ra hai mặt trăng nhỏ hơn thay vì một mặt trăng khổng lồ duy nhất, đặc biệt là một số mảnh vụn xuất hiện rải rác tại khu vực hai mặt trăng hình thành.

Vụ va chạm xảy ra khoảng 100 - 800 triệu năm sau khi các hành tinh bắt đầu hình thành. Những mảnh vỡ từ vụ va chạm tạo thành một đĩa rất rộng xung quanh sao Hỏa. Đĩa bao gồm hai phần, phần bên trong có mật độ cao hơn với thành phần chủ yếu là vật chất nóng, phần bên ngoài rất mỏng do chứa nhiều khí.

Phần bên trong của đĩa hình thành một mặt trăng có kích thước gấp 1.000 lần Phobos. Quá trình tương tác hấp hẫn ở vùng đĩa ngoài đóng vai trò như một chất xúc tác, giúp cho việc tập hợp các mảnh vỡ để tạo ra nhiều vệ tinh nhỏ hơn và nằm cách xa hơn.

Sau vài nghìn năm, sao Hỏa được bao quanh bởi một nhóm khoảng 10 mặt trăng nhỏ và một mặt trăng khổng lồ. Vài triệu năm sau đó, khi các mảnh vỡ của đĩa không còn, lực hấp dẫn của sao Hỏa hút hầu hết các vệ tinh xuống bề mặt của nó, bao gồm cả mặt trăng lớn. Hai mặt trăng nằm ở xa nhất là Phobos và Deimos vẫn còn đến ngày nay.

Mặt trăng khổng lồ ở phần đĩa bên trong va chạm với sao Hỏa được cho là nguyên nhân tạo ra lưu vực Borealis, một vùng đất thấp và rộng lớn ở phía bắc sao Hỏa. Mặt trăng Phobos bay cách sao Hỏa 6.000km, và dự kiến nó cũng sẽ rơi xuống hành tinh này sau 20 - 40 triệu năm nữa.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất