Vua của các loài rắn độc phương Bắc: Sống tốt ở -3 độ C, có 1 đặc điểm khác hoàn toàn hổ mang chúa
Loài rắn này thuộc họ rắn lục. Chúng sở hữu những đặc điểm rất khác biệt.
Trong tự nhiên, có một số loài động vật như rùa, gấu, rắn... sẽ bước vào trạng thái ngủ đông mỗi khi mùa đông lạnh giá kéo về nhằm giảm quá trình trao đổi chất, từ đó tiết kiệm năng lượng, duy trì sự sống trong thời tiết khắc nghiệt.
Bàn riêng về loài rắn, nhiệt độ là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh tồn của chúng, bởi loài rắn nói riêng là một sinh vật máu lạnh - tức là chúng không có hệ thống có thể điều chỉnh nhiệt độ cơ thể như con người nên nhiệt độ cơ thể của chúng sẽ thay đổi theo những thay đổi của nhiệt độ môi trường xung quanh.
Nhiệt độ thuận lợi nhất đối với loài bò sát này là từ 20 độ đến 30 độ C. Một khi nhiệt độ giảm xuống dưới 0, loài rắn sẽ bị đóng băng, thậm chí chết cóng. Khi nhiệt độ giảm xuống khoảng 10 độ C, các chức năng sinh lý của rắn giảm xuống mức thấp nhất. Lúc này, chúng bắt đầu ngừng mọi hoạt động và chuyển sang chế độ ngủ đông để tồn tại.
Tuy nhiên, ở vùng tây bắc Trung Quốc có một loài rắn độc cũng chọn chế độ ngủ đông nhưng chúng vẫn có thể sống sót trong cái rét "cắt da cắt thịt" khi nhiệt độ xuống đến -3 độ C.
Chính vì đặc điểm độc này mà loài rắn này tại Trung Quốc được mệnh danh là "Vua của các loài rắn độc phương Bắc" (ở Trung Quốc).
Vậy "Vua của các loài rắn độc phương Bắc" là loài rắn nào và chúng sống nơi nào của Trung Quốc?
Chúng ta đang nói đến loài rắn lục Vipera berus, sinh sống ở Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương miền tây bắc Trung Quốc.
Rắn lục Vipera berus.
Vipera berus là tên khoa học của loài rắn lục châu Âu (European viper) thuộc họ Rắn lục Viperidae. Loài rắn độc này phân bố rộng rãi khắp châu Á và châu Âu (đến tận Vòng Bắc cực). Loài này thường được nhận dạng qua màu sắc cơ thể - chủ yếu là màu nâu hoặc xám, có các vệt hoặc vòng sẫm màu tùy vào môi trường sống và giới tính. Đầu hơi hình tam giác, mắt lớn. Toàn thân có hoa văn và vảy lớn.
Một đặc điểm "độc lạ" nhất của loài rắn lục Vipera berus chính là khả năng sống sót và hồi phục nhanh chóng trong điều kiện nhiệt độ xuống tới -3,1 độ C, Researchgate thông tin. Đó là lý do, rắn lúc Vipera berus là loài được tìm thấy xa hơn về phía cực bắc Trái đất so với bất kỳ loài rắn nào khác.
Loài rắn này khả năng sống sót và hồi phục nhanh chóng trong điều kiện nhiệt độ xuống tới -3,1 độ C. (Ảnh: Animalia.bio).
Ngoài khả năng sinh sống ở những vùng lạnh giá, Vipera berus sống trong nhiều môi trường sống khác nhau, bao gồm cả đồng cỏ, sườn đồi đá, đồng cỏ, rìa rừng, bãi đất trống, cồn cát ven biển và mỏ đá. Chúng sẽ mạo hiểm vào vùng đất ngập nước nếu có đất khô gần đó và do đó có thể được tìm thấy bên bờ suối, hồ và ao.
Nọc độc của Vipera berus: Tấn công tế bào, máu
Một đặc điểm đáng sợ của loài rắn lục có thân hình mập mạp này - chỉ dài đến 90 cm - là chúng gây ra nhiều vụ tai nạn rắn cắn hơn bất kỳ loài nào khác thuộc chi Vipera của họ Viperidae. Nọc độc của Vipera berus chủ yếu có đặc tính phân giải protein, tan máu và gây độc tế bào.
Do tốc độ mở rộng nhanh chóng của con người trong phạm vi phân bố của loài này, nên việc bị cắn tương đối phổ biến. Động vật nuôi và gia súc là nạn nhân thường xuyên. Ở Anh, hầu hết các trường hợp xảy ra vào tháng 3 - tháng 10.
Nọc độc của Vipera berus chủ yếu có đặc tính phân giải protein, tan máu và gây độc tế bào. (Ảnh: Animalia.bio).
Có ít nhất 8 loại thuốc giải độc khác nhau để chống lại vết cắn của loài này. Rất hiếm khi vết cắn có thể đe dọa tính mạng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, trong khi người lớn có thể cảm giác đau đớn, sưng tấy rất lâu sau khi bị cắn. Thời gian phục hồi khác nhau nhưng có thể mất tới một năm.
Các triệu chứng tại chỗ bao gồm đau dữ dội và tức thời, sau đó là sưng và cảm giác ngứa ran sau vài phút (nhưng có thể kéo dài tới 30 phút). Cơn đau cùng với tình trạng viêm có thể diễn ra vài giờ. Ngay sau bị cắn, nạn nhân cảm thấy buồn nôn và nôn, đau bụng và tiêu chảy, đổ mồ hôi, sốt, co mạch, nhịp tim nhanh, choáng váng, mất ý thức, mù tạm thời, sốc, nổi mề đay và co thắt phế quản. Nếu không được điều trị, các triệu chứng này có thể kéo dài trong tối đa 48 giờ. Trong trường hợp nghiêm trọng, có thể xảy ra suy tim mạch.
Khác với loài rắn hổ mang chúa - đẻ trứng, loài rắn lục Vipera berus đẻ con.
Một đặc điểm khác lạ so với phần lớn các loài rắn khác là rắn lục Vipera berus đẻ con. Chúng không đẻ trứng như rắn hổ mang chúa hay Mamba đen. Tháng 4 là tháng phổ biến nhất mà loài rắn lục này sinh sản. Thời kỳ mang thai của chúng kéo dài từ 3 đến 4 tháng. Rắn lục cái thường sinh khoảng 12 con non. Khi mới sinh, các cá thể rắn lục Vipera berus non dài khoảng 16 đến 18 cm.
Rắn lục Vipera berus là loài ăn thịt và tiêu thụ nhiều loại con mồi, bao gồm các loài động vật có vú nhỏ như chuột đồng (Arvicolinae), chuột chù (Soricidae) và chuột nhắt (Murinae), cũng như thằn lằn nhỏ, chim và ếch.
Có hai chiến thuật săn mồi thường được Vipera berus sử dụng. Chiến thuật đầu tiên được gọi là phục kích. Vipera berus có thể kiên nhẫn chờ ở một chỗ cho con mồi đi qua để chúng có thể tấn công, sử dụng răng nanh để tiêm đủ nọc độc gây tử vong cho con mồi. Sau đó, chúng sử dụng khứu giác nhạy bén để theo dõi con vật bị thương đến chết, sau đó, Vipera berus sẽ tiến hành ăn đầu con vật trước.
Chiến thuật thứ hai liên quan đến việc chủ động tìm kiếm con mồi. Rắn lục thường sử dụng chiến thuật này ở trọng trạng thái hưng phấn nhất - đó là vào lúc chạng vạng. Lúc này, nọc độc ở chúng được phát huy cao nhất, điều này dễ dàng khiến con mồi tử vong nhanh chóng.
Có một số loài săn mồi chính có thể săn Vipera berus. (Ảnh: Animalia.bio).
Trong thế giới tự nhiên rộng lớn, Vipera berus cũng không tránh khỏi bị thiên địch tiêu diệt. Có một số loài săn mồi chính có thể săn Vipera berus. Nổi bật nhất bao gồm cáo, lửng Á-Âu, chim săn mồi lớn vào ban ngày và cú. Rắn lục châu Âu cũng có thể bị săn bởi những con rắn lớn hơn.
Theo Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên (IUCN), rắn lục châu Âu phổ biến tại địa phương và phân bố rộng rãi trong phạm vi của nó nhưng không có ước tính tổng thể về quần thể. Hiện tại, loài này được phân loại là loài ít quan tâm (LC) trong Sách đỏ IUCN nhưng số lượng của chúng hiện đang giảm dần.
- Lạ lùng rắn "quỷ Satan" xuất hiện ở Việt Nam
- Bị dồn đến đường cùng, rắn khoang đen vàng điên cuồng tấn công hổ mang chúa
- Chèo xuồng giữa vườn cây, anh thanh niên hoảng hồn khi thấy con rắn hổ mây ngóc đầu cao gần 1m